Ít nhất 3 công trình với số vốn mỗi công trình lên đến hàng ngàn tỉ đồng sẽ được TP HCM triển khai xây dựng nhằm giải bài toán ùn tắc giao thông đang là căn bệnh trầm kha ở các cửa ngõ ra vào TP
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa phê duyệt phương án thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm. Dự kiến, các dự án này sẽ được khởi công xây dựng từ nay đến năm 2020.
Đồng loạt kết nối
Trong các dự án vừa được Sở GTVT TP HCM phê duyệt, đáng chú ý là dự án đầu tư xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) theo hình thức đầu tư công, với tổng số vốn gần 2.400 tỉ đồng, để kết nối đồng bộ khu vực cửa ngõ phía Đông TP với các cảng và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Dự án chia ra nhiều giai đoạn, với các công trình xây dựng: cầu vượt qua nút giao theo hướng đường Vành đai 2, gồm 8 làn ô tô; cầu vượt cho làn xe rẽ trái từ hướng Cát Lái (quận 2) đi cầu Phú Mỹ (quận 7) với 2 làn ô tô; hầm chui qua nút giao cho làn xe rẽ trái từ đường Vành đai 2 đi Cát Lái. Ngoài ra, dự án còn xây dựng 3 cây cầu và một số nhánh đường rẽ, hầm chui, đường chui dưới dạ cầu để bảo đảm an toàn giao thông.
Trước mắt, dự án xây dựng một nhánh cầu vượt qua nút giao theo hướng Vành đai 2, đáp ứng 4 làn ô tô, xây dựng hầm chui theo hướng rẽ trái từ đường Vành đai 2 đi Cát Lái, xây dựng cầu Kỳ Hà 3... để kết nối thông suốt các tuyến đường và giảm lưu lượng xe 2 bánh tập trung về nút, bảo đảm an toàn giao thông. Giá trị tổng mức đầu tư dự án giai đoạn đầu khoảng 888 tỉ đồng.
Tình trạng xe container và xe máy chen nhau qua nút giao thông Mỹ Thủy sẽ chấm dứt khi nút giao thông này được đầu tư xây dựng Ảnh: Hoàng Triều
|
Để kết nối đồng bộ Vành đai 2, tạo thành vòng tròn khép kín giữa các tuyến đường huyết mạch ra vào TP HCM, Sở GTVT TP cũng đã thông qua kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng tuyến đường nối từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1. Dự án có tổng mức đầu tư 1.134 tỉ đồng, thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) từ năm 2015 đến 2017 do Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư.
Dự án nêu trên được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng 2 nhánh đường song song, bề rộng mỗi nhánh là 10,5 m (3 làn xe) và 3 cầu (Rạch Lùng, Rạch Ông Việt và Rạch Gò Cát)... Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng gần 1.135 tỉ đồng.
Trong khi đó, nút giao thông An Sương - cửa ngõ ra vào TP HCM ở hướng Tây Bắc, một điểm nóng về ùn ứ - cũng đã có giải pháp để giảm tải thông qua dự án xây dựng hầm chui đôi theo hướng Trường Chinh - Quốc lộ 22 vừa được Sở GTVT TP phê duyệt. Theo dự án, mỗi hầm rộng 9 m (đáp ứng 2 làn xe), tổng chiều dài 2 hầm khoảng 850 m... Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 514 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018.
Đủ “ép phê” nhưng...
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, khẳng định khi hoàn thành, dự án đầu tư xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy góp phần tăng năng lực thông hành của nút này. Cụ thể, bảo đảm thông suốt các trục đường chính Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống và Vành đai 2; từng bước thực hiện khép kín tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020; thúc đẩy sự hình thành và phát triển các dự án chỉnh trang đô thị dọc tuyến Vành đai 2 theo quy hoạch.
“Dự án chỉ giải tỏa một lần, ổn định cuộc sống của người dân khu vực quy hoạch nút giao. Nếu sau này có nhu cầu tăng cường mảng xanh cũng rất dễ dàng vì không phải giải phóng mặt bằng” - lãnh đạo Sở GTVT TP HCM cho biết.
Dự án tuyến đường nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa khi hoàn thành cũng sẽ kết nối hoàn toàn đường Phạm Văn Đồng ra đến Quốc lộ 1. Từ đây tạo thế khép kín Vành đai 2 với đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, chạy qua hàng loạt quận nội thành.
Theo Sở GTVT TP HCM, hầm chui đôi ở nút giao thông An Sương khi hoàn thành sẽ nâng cao năng lực thông hành trục Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, đường Trường Chinh...
Để bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các cửa ngõ và khu vực lõi trung tâm TP HCM, Sở GTVT cũng đang xem xét đề xuất của 2 đơn vị đầu tư liên quan đến dự án xây dựng đường trục Bắc - Nam. Dự án dài 7,5 km, rộng 29,5 m với 6 làn xe, trong đó đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm (huyện Nhà Bè) theo hợp đồng BT, tổng mức đầu tư khoảng 8.470 tỉ đồng. Đây là 1 trong 2 tuyến trục xuyên tâm của TP HCM đã được Chính phủ phê duyệt nhằm kết nối giao thông TP. Dự án này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc giao thông cho TP HCM và góp phần lưu thông hàng hóa.
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, kết nối Vành đai 2 đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết bài toán giao thông cho cửa ngõ phía Đông TP HCM. Đây là khu vực đi đến một số cảng lớn của TP với lượng xe tải, xe container và hàng hóa lớn. Tuy vậy, để giao thông thuận tiện thì việc kết nối giữa các tuyến đường phải đồng bộ và mang tính khoa học. Tuyến đường xuyên tâm cũng sẽ góp phần kết nối giao thông giữa các vùng của TP HCM, tránh trường hợp phải di chuyển nhiều vào các bãi trung chuyển.
TS Phạm Sanh cho rằng ngoài các dự án nêu trên, Sở GTVT TP HCM cũng cần thực hiện những dự án nhỏ lẻ nhằm giải quyết bài toán kẹt xe trước mắt, như: mở rộng một số tuyến đường, tạo sự thông thoáng cho giao thông đô thị... “Để giải quyết rốt ráo bài toán ùn ứ giao thông cho cả nội thành và các cửa ngõ thì TP HCM phải nhanh chóng xây dựng những tuyến đường trên cao như đã quy hoạch” - ông nhấn mạnh.
Xây đường nối cảng Sài Gòn - Hiệp Phước
UBND TP HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường D3 kết nối cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.
Dự án nhằm kết nối giao thông đường bộ vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước với hệ thống đường hiện hữu trong khu vực, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, phát triển Khu Công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 theo quy hoạch. Dự án này cũng phục vụ việc di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động