Ban quản lý dự án 7 vừa trình Bộ GTVT đề xuất dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 (nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre).
Do mỗi hướng giao thông qua cầu Rạch Miễu chỉ có 1 làn ôtô nên thường xuyên bị ùn tắc. Trong ảnh: xe dồn ứ dưới chân cầu Rạch Miễu phía Tiền Giang sáng 30-12-2018 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
|
Dự kiến nguồn vốn để lập dự án hỗ trợ kỹ thuật từ khoản hỗ trợ không hoàn lại 1 triệu USD (tương đương 22,5 tỉ đồng) từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF). Thời gian thực hiện dự án này từ năm 2019-2021.
Xây mới, không mở rộng cầu cũ
Từ năm 2009 đến nay, cầu Rạch Miễu trên quốc lộ 60 vượt sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã đi vào khai thác. Đây là cầu kết cấu dây văng có mặt cắt ngang đảm bảo 2 làn xe với bề rộng cầu 12m.
Từ năm 2015, khi cầu Cổ Chiên thông xe, lượng lưu thông lớn nên cầu Rạch Miễu thường xuyên xảy ra ùn tắc do cầu dài và bề rộng hẹp.
Trong các giờ cao điểm, lưu lượng xe qua cầu cũng ở trạng thái giới hạn và có thể xảy ra ách tắc bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, việc mở rộng mặt cầu Rạch Miễu với kết cấu dây văng hiện hữu là không khả thi.
Do vậy, Ban quản lý dự án 7 nhận định việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, là tuyến vận chuyển hàng hóa theo trục dọc các tỉnh duyên hải Tây Nam Bộ kết nối hệ thống đường bộ giữa vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Có thể dùng vốn ODA Hàn Quốc
Dự án sẽ nghiên cứu xây dựng cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8km về phía thượng lưu.
Tổng chiều dài dự án khoảng 17,59km. Trong đó: cầu chính vượt nhánh chính sông Tiền (từ bờ Tiền Giang đến cồn Thới Sơn) dài khoảng 1,91km, rộng 17,5m với 4 làn xe, kết cấu nhịp chính là dây văng;
Cầu vượt nhánh phụ sông Tiền (từ cồn Thới Sơn vào bờ Bến Tre) dài 520m bằng bêtông cốt thép có kết cấu nhịp đúc hẫng cân bằng, rộng 17,5m.
Trong các nghiên cứu trước đây, qua so sánh các phương án đầu tư, Ban quản lý dự án 7 kiến nghị Bộ GTVT xem xét và đề xuất Thủ tướng chấp thuận đầu tư cầu Rạch Miễu 2 từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.140 tỉ đồng.
Về khả năng sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc cho dự án cầu Rạch Miễu 2, Ban quản lý dự án 7 cho biết EDCF hiện đang rất quan tâm dự án.
Tại các buổi tiếp xúc và làm việc với cơ quan này, phía EDCF đã đánh giá việc đầu tư dự án là cần thiết và sẵn sàng tài trợ cho dự án.
Đồng thời, dự án cầu Rạch Miễu 2 đã được Hiệp hội Nhà thầu Hàn Quốc hỗ trợ vốn không điều kiện để Công ty Tư vấn Dasan triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc vốn vay ODA
Ngày 11-8-2018, tại buổi làm việc với tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá việc đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 là cần thiết và cấp bách.
Ông Thể nhận định nếu xây dựng cầu Rạch Miễu 2 theo phương thức BOT sẽ có thêm trạm thu phí, tạo gánh nặng cho nền kinh tế và người dân.
Vì vậy, ông Thể đề nghị nghiên cứu phương án đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc vốn vay ODA; đảm bảo thời điểm khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 cùng thời điểm khởi công cầu Đại Ngãi nhằm hoàn thành kết nối giao thông đồng bộ trên tuyến quốc lộ 60.
Diaoconline.vn – Theo Báo TTO