Khởi đầu từ quy hoạch

Cập nhật 14/07/2009 10:20

Hà Nội đủ điều kiện để trở thành thành phố sống tốt, thân thiện với cộng đồng. Ảnh: Đ.H

Hội thảo Khoa học "Hà Nội - Thành phố (TP) sống tốt, thân thiện của cộng đồng" đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, quản lý trong và ngoài nước.

Qua hội thảo này, các học giả đã khẳng định Hà Nội đủ điều kiện trở thành TP sống tốt, thân thiện; đồng thời đề nghị làm rõ các tiêu chí TP sống tốt trong báo cáo quy hoạch, xem đây là sản phẩm thiết thực chào mừng Thủ đô 1000 năm tuổi...

Sự lồng ghép của nhiều mô hình đô thị

Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, thực chất mô hình TP sống tốt, thân thiện của cộng đồng là sự lồng ghép, tổng hợp của nhiều mô hình đô thị khác nhau như đô thị sinh thái, đô thị phát triển bền vững... với điểm đặc biệt là việc đưa con người - chủ thể của một đô thị làm trung tâm phát triển.

Trả lời câu hỏi liệu Hà Nội có đủ điều kiện để phát triển bền vững và trở thành TP sống tốt, thân thiện của cộng đồng hay không? TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, qua hội thảo, với sự tham gia của 80 học giả, cán bộ quản lý, chuyên gia nước ngoài, Hà Nội được khẳng định có đủ điều kiện trở thành TP sống tốt, thân thiện của cộng đồng. Vấn đề là cần tập trung nghiên cứu thực trạng, đề xuất hướng phát triển về không gian công cộng, không gian dân sự, giao thông đô thị, quan hệ đô thị và vùng ven đô, phân bố dân cư, việc làm, văn hóa truyền thống... Trong đó, trước hết những định hướng này cần được thể hiện rõ trong quy hoạch chung Hà Nội đang nghiên cứu để hoàn thành vào năm 2010.

Những điểm cần lưu ý khi quy hoạch

Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, qua báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi tại hội thảo, đa số các đại biểu đã thống nhất những vấn đề cơ bản để Hà Nội trở thành TP sống tốt, thân thiện của cộng đồng. Về không gian công cộng và không gian dân sự, Hà Nội sau mở rộng đã có quy mô diện tích tự nhiên, dân số vào loại lớn trên thế giới. Trong tương lai, dự báo dân số sẽ còn tăng, do đó rất cần quan tâm đến không gian công cộng, không gian dân sự ở cả nội thành lẫn ngoại thành và các khu đô thị mới. Không gian này phải là nơi mọi đối tượng, lứa tuổi được tiếp cận. Một số không gian cần thiết như vỉa hè cần ưu tiên dành cho cộng đồng hơn là để kinh doanh. Đặc biệt, các chợ truyền thống cũng được xem là không gian công cộng phải được khai thác hợp lý gắn với bảo tồn văn hóa, thay vì phá bỏ để phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, văn phòng cho thuê. Các công viên chủ yếu dành cho cộng đồng, không được tư nhân hóa. Trong cải tạo đô thị, đất trống, đất di dời cơ sở công nghiệp khỏi nội thành nên được ưu tiên cho không gian công cộng để nâng tiêu chí cây xanh bình quân cho người dân (hiện đang rất thấp, 2,5m2/người).

Khác với đề xuất của tư vấn nghiên cứu quy hoạch chung Hà Nội mở rộng, chỉ tập trung phát triển mạng đường giao thông, các học giả đã đề xuất cần giải quyết đồng bộ 3 yếu tố: mạng đường, phương tiện giao thông và tổ chức giao thông. Trong đó, chú trọng đến tổ chức giao thông công cộng, ưu tiên đường dành cho đi bộ và xe đạp, phân làn đường cho từng loại phương tiện... cùng với đẩy nhanh tiến độ dự án đường vành đai. Tương lai đô thị phụ thuộc nhiều vào sự lựa chọn mô hình giao thông và những vấn đề trên là yếu tố cần để tạo ra TP thân thiện của cộng đồng.

Điểm nhấn quan trọng nữa là sự phát triển khu vực ven đô. Phát triển đô thị gắn kết với phát triển ven đô, kể cả nông nghiệp đô thị là mô hình thích hợp cho Hà Nội. Vùng ven đô Hà Nội có đa dạng hình thái kiến trúc, cảnh quan, môi trường sinh thái và một phần dự phòng phát triển đô thị, vì vậy cần được quản lý quy hoạch như nội đô. Mặt khác, làng nghề truyền thống ven đô còn có giá trị di sản phong phú, đồng thời giải quyết việc làm cho cư dân ven đô, nên cần gìn giữ và chọn lọc giải pháp để phát triển bền vững.

Liên quan đến phân bố dân cư, việc làm, các học giả cho rằng đây là yếu tố cần thiết trong nghiên cứu quy hoạch chung Hà Nội. Hiện tại nội đô Hà Nội đang quá tải về dân cư và hạ tầng kỹ thuật, bởi vậy cần lựa chọn giải pháp giảm áp lực cũng như mô hình TP thích hợp. Trước hết, để tạo điều kiện sống tốt cần giải quyết chỗ làm việc hợp lý cho mọi khu chức năng đô thị (việc làm gắn với nơi ở). Như vậy, có thể Hà Nội sẽ có những chùm đô thị gồm có nội đô, ven đô, thay vì các đô thị vệ tinh như đề xuất.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới