Đại lộ Đông - Tây có vai trò tối quan trọng. |
Với vai trò là trục chính kết nối trung tâm TP HCM với khu vực Đông Bắc và Tây Nam, đại lộ Đông – Tây có vai trò tối quan trọng. Đất Việt ghi nhận ý kiến của lãnh đạo TP HCM, doanh nghiệp, người dân về tầm quan trọng của dự án Đại lộ Đông - Tây.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM: Kết nối Đông - Tây
Trong quy hoạch tổng thể đến năm 2020, đề ra chiến lược phát triển TP và các khu vực xung quanh trong tương lai, TP HCM được thiết kế thành một kết cấu đô thị đa trung tâm thay vì kết cấu đô thị đơn trung tâm như hiện nay. Trong quy hoạch này, đại lộ Đông - Tây dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng như là trục chính tạo thành một tuyến ngắn hữu hiệu nối từ trung tâm TP đến các khu vực Đông Bắc và Tây Nam.
Đây là dự án trọng điểm được Đảng bộ và lãnh đạo TP quan tâm và tập trung chỉ đạo nhằm sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Vì khi hoàn thành, đại lộ này sẽ góp phần quan trọng giảm bớt áp lực giao thông, nối liền hai bờ Đông Tây - nối kết trung tâm Q.1 với bán đảo Thủ Thiêm, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị mới Thủ Thiêm và cải tạo cảnh quan dọc tuyến kênh Bến Nghé - Tàu Hủ (giải tỏa hơn 7.000 hộ dân) góp phần rất lớn vào công tác chỉnh trang đô thị.
Trên cơ sở kết quả của giai đoạn 1, UBND TP yêu cầu Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây tập trung nhân lực, vật lực, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh tiến độ thi công giai đoạn 2, sớm đưa công trình hoàn thành đi vào sử dụng. Tuy nhiên, bất cứ công trình nào cũng vậy, dù đẩy nhanh tiến độ cũng phải đảm bảo các yếu tố về mặt kỹ thuật, chất lượng.
Anh Nguyễn Minh Tấn, hướng dẫn viên du lịch Công ty du lịch Hà Nội, chi nhánh tại quận 1: Góp phần làm phong phú loại hình du lịch tại TP HCM
Tết 2009 vừa qua, trong một lần đưa khách đi du lịch tuyến TP.HCM - Cần Thơ, chúng tôi điêu đứng vì nạn kẹt xe trong khu vực nội thành. Đó là chưa kể khi ra đến cửa ngõ miền Tây, lại tiếp tục kẹt xe ngay đoạn thị trấn Tân Túc, Bình Chánh. Vì nạn kẹt xe nên chúng tôi đến nơi trễ hơn hai giờ so với dự định và làm đảo lộn cả kế hoạch của chuyến hành trình đó. Hành khách vừa mệt mỏi vừa bực bội, thiệt hại không thể tính hết. Tôi nghĩ, không chỉ doanh nghiệp vận tải mà doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng rất phấn khởi khi con đường này hoàn thành. Bên cạnh đó, một khi kênh Bến Nghé – Tàu Hủ được cải tạo, TP còn có thể khai thác tour du lịch tại khu vực này, tạo thành sản phẩm du lịch đường sông, góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch tại TP.HCM.
Ông Hoàng Thạch Vân, nhà ở đường Hàm Tử, phường 6, quận 5, cho biết: Mang lại bộ mặt mới cho thành phố
Tôi theo dõi dự án này từ những ngày đầu triển khai. Có lúc thót tim với những sự cố như nứt đốt hầm dìm Thủ Thiêm, vụ việc liên quan đến PCI… Cũng có lúc bực mình vì dự án chậm tiến độ. Nhưng bây giờ, khi công trình vào giai đoạn cuối, trong tôi chỉ còn đọng lại niềm vui mừng và hy vọng. Bên cạnh những tiện ích như rút ngắn thời gian lưu thông, giảm thiểu kẹt xe, điều tôi phấn khởi nhất là trên toàn bộ đại lộ Đông - Tây, sẽ không còn cảnh dây cáp điện thoại, viễn thông treo như mạng nhện. Được biết, toàn bộ thiết bị trên đều được ngầm hóa, mang lại một vẻ mỹ quan, văn minh, sạch đẹp cho bộ mặt đô thị TP.
Bà Trần Thị Bích Ngọc, Cầu Kho, quận 1: Người dân được hưởng lợi nhiều mặt
Việc chính quyền thành phố đầu tư công sức, tiền của làm con đường này, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Không chỉ giải tỏa được hàng ngàn hộ dân sống ven kênh rạch – một hình ảnh nhếch nhác, gây phản cảm đối với du khách nước ngoài – mà dự án còn trả lại tuyến đường sông xanh, sạch cho TP. Với một đô thị lớn như TP.HCM, việc tạo ra một không gian xanh, trên bến, dưới thuyền là tiền đề quan trọng để phát triển ngành du lịch. Ngoài ra, với vai trò trục chính, kết nối Đông – Tây, dự án này sẽ đóng vai trò quan trong trong việc tạo đòn bẩy thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển, nối Đồng bằng sông Cừu Long với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt