Ngày 19-5, tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã dự và phát lệnh khởi công xây dựng gói thầu đầu tiên thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Được biết, khi đưa vào khai thác, thời gian đi ô tô từ Hà Nội đến Hải Phòng sẽ được rút xuống, còn khoảng một giờ...
Đúng nghĩa cao tốc
Tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là tuyến được xây dựng mới, song song với quốc lộ 5, dài 105,5 km, đi qua Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40km) và Hải Phòng (33km). Điểm đầu tuyến nằm trên đường Vành đai 3, phía Bắc cầu Thanh Trì (Hà Nội), kết thúc tại đập Đình Vũ (Hải Phòng). Theo thiết kế, đường sẽ đạt tiêu chuẩn cao tốc loại A, với mặt cắt bình quân là 100m, trong đó mặt đường rộng từ 33 m trở lên, gồm 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, bảo đảm cho xe chạy với tốc độ 120 km/h. Được biết, trên tuyến sẽ có 6 nút giao thông khác mức, 9 cầu lớn, 21 cầu trung bình và 22 cầu vượt.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam Đào Văn Chiến cho biết, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 24.566 tỷ đồng. Với số vốn đầu tư khổng lồ đó, ngoài các tiêu chí kỹ thuật nêu trên, tuyến còn được lắp đặt hệ thống camera ghi hình, kiểm soát giao thông thông minh, hệ thống thu phí tự động. Trên tuyến còn có các trạm dịch vụ, cung cấp xăng dầu, sửa chữa nhỏ… như nhiều tuyến đường cao tốc ở các nước phát triển. Đây là những tiêu chí mà hệ thống giao thông nước ta còn rất thiếu. Cũng theo ông Đào Văn Chiến, các gói thầu còn lại sẽ được khởi công trong tháng 10 năm nay và đến năm 2011 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.
Để hỗ trợ chủ đầu tư, Chính phủ đã giao cho UBND các tỉnh, thành phố có tuyến đi qua tổ chức thực hiện tiểu dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư. Tuy nhiên, cũng như các công trình khác, chủ đầu tư rất lo ngại. Theo một số chuyên gia, đường cao tốc đòi hỏi những tiêu chí kỹ thuật cao hơn rất nhiều các loại đường khác, nhưng đây không phải khó khăn quá lớn. Vướng mắc chính vẫn là GPMB. Dự kiến sẽ có hơn 1.250 hộ, với 7.700 người thuộc nhiều địa phương khác nhau phải di dời để thực hiện dự án. Dự án lớn, thời gian thi công ngắn, nếu không thực hiện tốt khâu GPMB sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả…
Thúc đẩy giao thông
Trong định hướng phát triển của Bộ GTVT, cả nước sẽ có khoảng 6.000 km đường cao tốc. Chủ trương của Bộ là ưu tiên đầu tư phát triển những tuyến cao tốc có hiệu quả kinh tế cao và tuyến Hà Nội - Hải Phòng là một trong số đó. Sự phát triển nhanh chóng tại khu vực kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đặc biệt là tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh những năm gần đây khiến QL5 thực sự quá tải. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cùng với các cảng biển Đình Vũ, Lạch Huyện sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Cùng với QL 18, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ giúp việc đi lại, giao thương trong khu vực nhanh chóng, thuận lợi. Thời gian vận chuyển hàng hóa sản xuất nội địa tới cảng biển sẽ được rút ngắn đáng kể.
Chính trị, xã hội ổn định, kinh tế phát triển mạnh trong những năm qua khiến nguồn vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư nước ngoài e ngại về hệ thống giao thông nước ta. Nhiều khu công nghiệp đã được xây dựng tại khu vực kinh tế trọng điểm Bắc bộ và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ là một “cú hích” giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, “lấp đầy” mỗi khu công nghiệp. Không những vậy, tuyến đường này còn nằm trên tuyến hành lang đường bộ châu Á, thuộc khuôn khổ hợp tác giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng và thỏa thuận hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt - Trung, góp phần thúc đẩy hợp tác giao thương trong khu vực.
Để đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam chủ trì cùng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam huy động vốn đầu tư dự án theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Đây là một hình thức đầu tư phát triển hạ tầng còn mới ở nước ta. Dự án thành công sẽ không chỉ giúp giao thương thuận lợi, mà còn khẳng định mô hình đầu tư BOT trong xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông vận tải.
Theo Hà Nội Mới