“Khoanh vùng” khu vực được phép xây nhà cao tầng

Cập nhật 18/06/2010 14:40


Doanh nghiệp có thể xây dựng nhà cao tầng ở khu vực “màu xanh”. Ảnh: Đức Thanh
Hà Nội đã thiết lập một bản đồ tổng thể về nhà cao tầng trong khu vực nội đô với 3 màu xanh, vàng, đỏ. UBND TP. Hà Nội vừa có Công văn 4280/UBND-XD kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai các dự án tại một số khu vực.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đã thiết lập một bức tranh tổng thể về nhà cao tầng trong khu vực nội đô với 3 màu xanh, vàng, đỏ. Theo đó, màu xanh biểu tượng cho khu vực có thể xây dựng được nhà cao tầng, màu vàng là khu vực chưa đến mức báo động, còn màu đỏ là khu vực không chấp nhận xây dựng nhà cao tầng.

Tại Công văn 4280/UBND-XD, căn cứ vào kết quả khảo sát, đánh giá, UBDN TP. Hà Nội đã “khoanh vùng” 3 chỉ giới riêng biệt. Đối với khu vực 1 (khu vực màu đỏ), sẽ có 4 khu vực đặc thù mà UBND TP. Hà Nội đề nghị không xây dựng cao tầng gồm: khu trung tâm chính trị Ba Đình được giới hạn bởi các tuyến phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Lê Hồng Phong; khu phố cổ được giới hạn bởi Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Gầm Cầu, Phùng Hưng, Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng; khu hồ Gươm và phụ cận, được giới hạn bởi các tuyến Lý Thái Tổ, Nguyễn Hữu Huân, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Trống, Nhà Thờ, Lý Quốc Sư, Nhà Chung, Quang Trung, Hai Bà Trưng, Đặng Thái Thân, Tràng Tiền; khu Thành cổ nằm trong khu vực phố Lý Nam Đế, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Trần Phú.

Theo ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội, đề xuất trên phù hợp với Thông báo số 348/TB-VPCP yêu cầu dừng việc phá dỡ nhà biệt thự cũ và cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm. Một trong những nội dung quan trọng của Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội là đưa ra kế hoạch giảm tải cho Hà Nội. Cụ thể, Thành phố lõi lịch sử phải được kiểm soát, bảo tồn nghiêm ngặt, với dân số tối đa là 800.000 người, kèm theo việc khống chế, kiểm soát nghiêm ngặt mật độ và tầng cao xây dựng... Việc cấm xây dựng nhà cao tầng trong khu vực phố cổ chính là để thực hiện mục tiêu lâu dài đó.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc cấm xây dựng nhà cao tầng ở khu vực “lõi” là hết sức cần thiết. Trước đây, một số tuyến phố như Hai Bà Trưng, Bà Triệu không bao giờ xảy ra tắc đường, nhưng từ khi xuất hiện các tòa nhà cao tầng, thì tình trạng ùn tắc liên tục xảy ra.

Ở nhóm chỉ giới “màu vàng”, UBND TP. Hà Nội vạch ra 5 khu vực cần “kiểm soát đặc biệt”, hạn chế xây dựng nhà cao tầng. Đó là khu vực xung quanh hồ Trúc Bạch cho đến phía Bắc phố Phan Đình Phùng và Yên Phụ; khu vực giới hạn bởi phố Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học; khu giới hạn bởi phố Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám, Lê Duẩn, Giảng Võ; khu phía Bắc quận Hai Bà Trưng, giới hạn bởi Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Trần Khánh Dư - Nguyễn Du - Lê Duẩn và phần còn lại của quận Hoàn Kiếm.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, sẽ hết sức hạn chế cấp phép xây dựng tại khu vực này và những dự án tại đây sẽ phải đáp ứng những điều kiện đặc biệt mới được phép xây dựng.

Tại nhóm “màu xanh”, UBND TP. Hà Nội cũng đề xuất 2 khu vực “phát triển có điều kiện”, gồm khu vực phía Tây quận Ba Đình, từ đường Kim Mã đến đường ven hồ phía Nam hồ Tây, Bưởi, Đào Tấn - Kim Mã và toàn bộ khu vực còn lại của khu trung tâm, được giới hạn bởi đường Vành đai 2 (Láng - Trường Chinh - Đại La - Minh Khai - Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Lê Duẩn - Quốc Tử Giám - Cát Linh - Kim Mã - Đào Tấn - Bưởi).

Ở những khu vực trên, Thành phố sẽ kiểm soát nhà cao tầng theo dạng lòng chảo, cao ở phía ngoài đường Vành đai 2 và thấp dần vào trung tâm; đồng thời, phát triển cao tầng theo các trục giao thông lớn, xuyên tâm, vành đai và giao điểm của các trục này...

Theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội, điều kiện tiên quyết để những dự án thuộc nhóm “đèn vàng”, “đèn xanh” được “đi” tiếp là các dự án công trình cao tầng đã được cấp phép xây dựng, chưa thi công; công trình đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô và chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc; công trình đã được thỏa thuận quy hoạch và phương án kiến trúc; đã hoàn thành các thủ tục về đất đai, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đang thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng. Ngoài ra, các dự án đã được trả lời thông tin quy hoạch - kiến trúc, chưa xác nhận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sẽ được Thành phố xem xét cụ thể…

Ngoài ra, nếu được Thủ tướng chấp thuận, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu các điều kiện buộc chủ đầu tư dự án khi triển khai xây dựng, phải đáp ứng các mục tiêu chung, như sẽ phải giảm mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất, không làm tăng dân cư và phải phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và điều kiện không gian, cây xanh, điểm đỗ xe...

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư