Khoán tiền thuê nhà cho cán bộ, nhà nước đỡ cảnh lo đòi nhà công vụ

Cập nhật 03/11/2014 13:34

Xung quanh vấn đề đầu tư, xây dựng, quản lý nhà công vụ theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính.

* Câu chuyện nhà công vụ được sử dụng không đúng mục đích đang tạo sóng trong công luận cũng như trên diễn đàn Quốc hội những ngày qua. Là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý đối với tài sản nhà nước, xin ông cho biết, thực tế tình hình sử dụng quỹ nhà công vụ hơn 1,4 triệu m2 hiện nay?

Pháp luật hiện hành chưa quy định rõ cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý quỹ nhà công vụ, cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương đối với quỹ nhà công vụ thuộc phạm vi quản lý. Với dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang trình Quốc hội xem xét, nếu được thông qua tại kỳ họp này thì tới đây việc giao cơ quan thống nhất quản lý sẽ rõ ràng, việc quản lý quỹ nhà công vụ đảm bảo chặt chẽ hơn.

Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính.

* Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này hiện chỉ quản lý 180 nhà công vụ ở Trung ương, tương đương chỉ 1,4% quỹ nhà ở công vụ của cả nước. Vậy, nói như ông, cả triệu m2 nhà ở công vụ như thống kê của chúng ta đang không biết quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân nào?

Hiện nay Bộ Xây dựng được giao trực tiếp quản lý quỹ nhà công vụ trước đây do Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội… quản lý và một số khu nhà mới được nhà nước mua từ các dự án nhà ở thương mại để bố trí làm nhà ở công vụ.

Như trên đã nói, việc quản lý quỹ nhà công vụ hiện nay chưa được quy định trách nhiệm cho một bộ, ngành nào nên việc quản lý quỹ nhà công vụ còn phân tán thiếu tập trung.

Quan điểm hiện được bàn bạc, xem xét là với những địa bàn các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM (những nơi mà việc thuê nhà không khó), Nhà nước nên tiếp tục đầu tư, mua sắm nhà công vụ hay nên chuyển sang chi trả chế độ nhà công vụ bằng tiền để các cán bộ được hưởng tiêu chuẩn nhà ở công vụ có thể chủ động lựa chọn vị trí, địa điểm, điều kiện nhà ở theo nhu cầu cá nhân. Thực tế, có người cần nhà diện tích cả trăm mét vuông vì đưa cả gia đình, vợ con đi theo nhưng có người lại chỉ cần vài ba chục mét để phù hợp với sinh hoạt cá nhân khi ở một mình…

Chỉ ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì thực sự cần nhà công vụ cho cán bộ được điều động công tác. Ví dụ ngành tài chính của chúng tôi có anh em cán bộ hải quan, thường xuyên phải làm việc ở khu vực biên giới, hải đảo. Ở khu vực đó thì phải có nhà cho anh em ở. Đối tượng bộ đội, bác sĩ, giáo viên… cũng như vậy. Tuy nhiên việc đầu tư, xây dựng và cả quản lý nhà công vụ ở các địa bàn này nên giao cho cơ quan sử dụng lao động người ta xác định nhu cầu và đầu tư xây dựng để phù hợp với công năng, nhu cầu sử dụng của mỗi cơ quan.

* Chuyện làm nhà ở công vụ cho bác sĩ, giáo viên… về cơ bản người dân hoàn toàn ủng hộ. Dư luận thời gian qua chủ yếu ý kiến, phản ứng về việc quản lý, sử dụng nhà công vụ của khối cán bộ cấp cao ở trung ương vì thực tế có nhiều trường hợp sử dụng không đúng mục đích, thậm chí đã thôi công tác, về quê vẫn mang luôn theo chìa khóa, không trả lại nhà, chiếm dụng nhà cho người thân, con cháu ở hoặc thậm chí cho thuê?

Theo tôi, trước hết cần xác định rõ, chọn đối tượng được sử dụng nhà ở công vụ vì hiện chính sách về vấn đề này chưa rõ. Cần rà lại xem những đối tượng nào nên được nhà nước lo nhà công vụ, đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ cũng cần vừa phải chứ ngân sách nhà nước không thể đầu tư, xây dựng, mua sắm một kho nhà để rồi lại phải "đẻ" ra bộ máy, cơ quan quản lý, sẽ rất lãng phí.

Một góc khu nhà ở công vụ, số 2 Hoàng Cầu (Ảnh: Lao Động)

Chuyện không trả lại nhà, chiếm dụng nhà công vụ trước đây đã có nhiều người nói. Tôi cho rằng, với quy định của luật Nhà ở sửa đổi lần này, sẽ không còn tình trạng chiếm dụng nhà công vụ nữa. Quy định trong dự thảo luật đã rất rõ, chặt chẽ, ấn định thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hết thời hạn được sử dụng nhà công vụ, người được phân phải trả lại nhà.
Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ có thêm các biện pháp, thể hiện trong các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện việc quản lý quỹ nhà công vụ. Chẳng hạn, việc quản lý nhà công vụ có thể giao cho doanh nghiệp đảm nhiệm thay vì để cơ quan nhà nước lo việc bố trí nhà ở cho cán bộ như hiện nay.

Khi đó, doanh nghiệp được nhà nước thuê quản lý nhà công vụ sẽ đứng ra ký hợp đồng với người được hưởng chế độ. Hết hạn hợp đồng, người thuê nhà công vụ có muốn cũng khó ở lại vì hợp đồng thuê nhà đã quy định rõ ràng.

* Thực tế như đại biểu Quốc hội phản ánh, báo chí, dư luận “điểm mặt chỉ tên” nhiều trường hợp cụ thể cán bộ nào với chức vụ đảm nhiệm rõ ràng có hành vi chiếm dụng, sử dụng sai mục đích nhà ở công vụ được giao như thế mà vẫn không có cách nào để xử lý, thu hồi?

Cái đó chính là do cơ chế quản lý chưa rõ. Ngoài ra, cũng còn vấn đề khác như cán bộ sau khi thôi chức vụ có khó khăn, chưa kịp bố trí nơi ở cho bản thân và gia đình thôi chứ tôi tin không có chuyện không trả nhà đâu. Giờ trách nhiệm là của cơ quan đã bố trí nhà ở cho cán bộ chậm trả phải thu hồi lại nhà, giao trả cho nhà nước để bố trí cho cán bộ khác nhận nhiệm vụ thôi.

* Ông bình luận thế nào về quan điểm “cáo buộc” cán bộ thôi đảm nhiệm chức vụ mà vẫn cố tình không trả, vẫn chiếm dụng nhà công vụ thì bản chất cũng không khác hành vi tham nhũng?

Trước hết cần khẳng định việc không trả lại nhà là không đúng vì nhà công vụ là tài sản của nhà nước giao cho cán bộ sử dụng để ở trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, khi hết đảm nhiệm chức vụ ấy thì phải trả lại cho nhà nước. Nhưng tôi cho rằng, chỉ một số rất ít cán bộ, có thể do lý do cá nhân nào đó nên chưa trả nhà được ngay. Cán bộ được nhà nước bố trí nhà công vụ của ta chủ yếu là cán bộ cấp cao, có thể nhất thời tại thời điểm thôi chức vụ có vướng mắc, khó khăn chưa sắp xếp bố trí được chỗ ở cho gia đình nên chưa trả nhà thôi chứ không thể có chuyện không trả nhà được.

Để hạn chế tối đa việc này, quan điểm của tôi là chỉ nên lựa chọn đối tượng nhà nước phải lo nhà công vụ một cách rất hạn chế. Ví dụ, ở trung ương chỉ cán bộ lãnh đạo cần yêu cầu đảm bảo an ninh, bảo vệ; còn các cán bộ cấp cao, cấp trung khi được điều động công tác thì nên áp dụng chế độ chi trả chế độ nhà công vụ bằng tiền, sẽ giúp tiết kiệm hơn nhiều cho ngân sách nhà nước và cũng thuận tiện cho cán bộ.

* Nhà công vụ khi xây dựng được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi như không thu tiền sử dụng đất, miễn thuế… mới có được mức giá nhà nước có thể “kham” được. Chuyển sang trả tiền thuê nhà cho cán bộ tính theo giá thị trường, liệu ngân sách có chịu đựng không, thưa ông?

Việc chuyển sang thanh toán tiền thuê nhà cho đối tượng được bố trí nhà công vụ theo cơ chế thị trường sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, đáp ứng đúng nhu cầu của từng đối tượng; đồng thời, ngân sách nhà nước không phải chi khoản tiền để đầu tư xây dựng quỹ nhà công vụ. Hàng năm nhà nước không phải chi  cho việc quản lý, sửa chữa, duy tu. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế này cần có lộ trình và cần có định rõ ràng, cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức để áp dụng cho phù hợp.

* Xin cảm ơn ông!

Theo khảo sát, tính toán, nếu so sánh việc đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý nhà như hiện nay mà chuyển sang tính tiền thuê nhà hàng năm, trả vào lương thì gánh nặng cho ngân sách nhẹ nhàng hơn nhiều. Ví dụ ở Hà Nội, để thuê một căn hộ chung cư khoảng 100m2, giá thuê khoảng 7-10 triệu đồng/tháng trong khi để mua căn hộ đó, số tiền phải trả trên dưới 3 tỷ đồng mà sau đấy còn phải chi phí cho việc quản lý, bảo trì, vận hành… căn nhà đó nữa. Chắc chắn chi phí như vậy là cao hơn việc trả 10 triệu đồng tiền thuê nhà/tháng.

Bài toán đặt ra khá đơn giản, nếu mang 3 tỷ đồng đi gửi tiết kiệm thì mỗi tháng tiền lãi thu được khoảng 20 triệu đồng. Vậy thì khoán tiền thuê nhà vừa không phải trông coi, không phải lo bỏ tiền sửa chữa, duy tu quỹ nhà công vụ, không phải bỏ tiền mua nhà mà người có chế độ ở cũng thoải mái hơn căn nhà được phân vì có quyền lựa chọn theo ý mình. Khi cán bộ hết thời hạn công tác, nhà nước cũng không phải lo chuyện đi đòi.


DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí