Khoản nợ phải trả hơn 10.000 tỷ đồng của chủ đầu tư Cocobay gồm những gì?

Cập nhật 29/11/2019 15:10

Gần 4.000 tỷ đồng người mua trả trước cùng với nợ vay tăng vọt đã kéo lượng hàng tồn kho tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng lên 5.700 tỷ đồng – chiếm ½ tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2018 của Thành Đô.



Sau sự việc CTCP Đầu tư và Phát triển Thành Đô (Empire Group) chủ đầu tư Cocobay không thể tiếp tục thực hiện cam kết lợi nhuận cho người mua condotel, một trong những điều mà nhà đầu tư quan tâm lúc này là năng lực tài chính của doanh nghiệp này.

Theo một số liệu tài chính của Thành Đô (có thể chưa phản ánh đầy đủ các chi nhánh của doanh nghiệp này), trong giai đoạn 2015-2018, tổng tài sản của công ty đã tăng vọt từ 2.000 tỷ lên trên 11.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2018.


Quy mô vốn tăng vọt chủ yếu là tăng các khoản nợ phải trả: tổng nợ phải trả của Thành Đô tại thời điểm 31/12/2018 là hơn 10.200 tỷ đồng.

Trong đó, vay nợ ngân hàng vào khoảng gần 2.100 tỷ đồng – gấp gần 5 lần so với con số 440 tỷ đồng cuối năm 2017.

Đáng chú ý, Công ty ghi nhận gần 3.800 tỷ đồng giá trị các khoản người mua trả tiền trước. Đây được xem là phần trả trước trong các hợp đồng mua bán bất động sản. Phần còn lại là hơn 1.000 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn và 3.300 tỷ đồng các khoản phải trả khác.

Gần 4.000 tỷ đồng người mua trả trước cùng với nợ vay tăng vọt đã kéo lượng hàng tồn kho tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng lên 5.700 tỷ đồng – chiếm ½ tổng tài sản của Thành Đô.


Kết quả kinh doanh khiêm tốn

Giai đoạn 2015-2016, khi chưa có doanh thu đáng kể từ hoạt động kinh doanh chính, Thành Đô ghi nhận doanh thu tài chính khá lớn nhưng cũng chỉ đủ bù đắp chi phí tài chính.

Trong 2 năm này, công ty lãi lần lượt là 180 triệu và 260 triệu đồng.

Sang năm 2017, Thành Đô ghi nhận doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng nhưng lãi gộp chi vỏn vẹn 88 tỷ đồng – không đủ bù đắp cho 100 tỷ đồng chi phí bán hàng và 20 tỷ đồng chi phí quản lý. Từ đó dẫn đến việc công ty lỗ 24 tỷ đồng.

Năm 2018, doanh thu và lãi gộp sụt giảm mạnh xuống còn tương ứng là 386 tỷ và 29 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm theo doanh thu nhưng chi phí quản lý lại tăng đột biến lên 81 tỷ đồng.

Chi phí tăng vọt cùng với khoản lỗ khác hơn 42 tỷ đồng dẫn đến việc Thành Đô lỗ ròng xấp xỉ 100 tỷ đồng năm 2018.

Lũy kế đến cuối năm 2018, công ty mẹ Thành Đô có khoản lỗ lũy kế 134 tỷ đồng. Do chưa bao gồm đủ số liệu của các chi nhánh nên kết quả này có thể chưa phản ánh đầy đủ tình hình kinh doanh của Thành Đô.

DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ