Khổ vì mua nhà không được cấp sổ đỏ

Cập nhật 28/09/2020 10:05

Đến cuối năm 2019, Hà Nội có hơn 29 nghìn căn hộ chậm làm sổ đỏ cho người dân bởi chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để tồn tại sai phạm của chủ đầu tư nhiều năm do thiếu trách nhiệm của các đơn vị thanh, kiểm tra.

Dự án nhà cao tầng tại Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), chủ đầu tư xây sai phép khiến người dân không được làm sổ đỏ. Ảnh: Như Ý

Chủ đầu tư thế chấp nhà, dân không có sổ

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, người dân mua nhà tại nhiều dự án trên địa bàn Hà Nội không được cấp sổ đỏ do chủ đầu tư: Xây dựng sai thiết kế, quy hoạch được duyệt; Chưa hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính hoặc chưa bàn giao quỹ nhà tầng 1, quỹ nhà 20%, quỹ nhà 30%; Tự ý chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư thứ cấp (hoặc chuyển giao giữa công ty mẹ, công ty con).

Bên cạnh đó, nhiều dự án tồn tại vi phạm kéo dài, người mua nhà đã về ở ổn định, nhiều lần đề nghị được cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng nhà ở. Thành phố cũng đã có những chỉ đạo cụ thể. Tuy nhiên, hiện tại, hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai còn nhiều điểm chưa đồng bộ trong việc xử lý, cơ quan chức năng không thể làm trái quy định nên gặp khó khăn trong cấp GCN cho người mua nhà.

Cũng ông Nam cho hay, vừa qua, TPHCM gỡ vướng cho 16 đơn vị gặp khó khăn trong cấp GCN liên quan tiền sử dụng đất. Hà Nội đã làm việc này từ lâu và có nhiều văn bản tháo gỡ. Tuy nhiên, điển hình sai phạm ở Hà Nội là chủ đầu tư xây dựng công trình có chiều cao vượt mức cho phép, xây thêm tầng; biến tầng kỹ thuật, áp mái thành căn hộ, sàn văn phòng; mật độ xây dựng sai quy định… Theo ông Nam, chủ đầu tư gây ra lỗi nhưng lại đẩy khó cho chính quyền và gây áp lực lên người dân, chính quyền.

Đến nay, sau nhiều năm hàng trăm hộ dân dọn về sinh sống ở các tòa nhà, người dân vẫn trong tình trạng mòn mỏi chờ được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà. Điển hình như Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) được phê duyệt xây dựng hai tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã cố tình xây thêm một tòa nhà 30 tầng và nâng tầng hai tòa nhà CT6A, CT6B, dẫn đến nhiều hộ dân mua phải căn hộ xây không phép, sai phép chưa được cấp sổ đỏ. Tương tự, tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), tổ hợp 12 tòa chung cư HH Linh Đàm được phê duyệt xây 27 tầng, nhưng chủ đầu tư tự ý xây lên 36 hoặc 40 tầng. Dự án nhà ở Đại Thanh ở xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) có sáu khối nhà cao tầng được phê duyệt xây dựng 29 tầng, song thực tế chủ đầu tư xây lên 32 tầng.

Còn tại dự án AZ Sky Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), hàng trăm hộ dân vào ở 4 năm nhưng vẫn chưa được cấp sổ, vì chủ đầu tư Cty AZ Thăng Long nợ nhà nước hàng trăm tỷ đồng tiền thuế.

Tại một dự án khác tại Hà Đông - chung cư Westa do Công ty Cổ phần COMA 18 làm chủ đầu tư, người dân cũng phản ánh họ nhận bàn giao nhà từ năm 2014 nhưng đến giờ vẫn chưa được làm sổ đỏ. Qua thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, cư dân mới được biết chủ đầu tư đang thế chấp cả tòa nhà để vay vốn ngân hàng.

Chính quyền thiếu thanh tra, kiểm tra

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, ngoài những vấn đề tồn đọng liên quan công tác quản lý chung cư trên địa bàn, vấn đề về vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra phức tạp, khó xử lý. “Vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn những diễn biến phức tạp, một số công trình chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng từ các năm trước vẫn chưa được giải quyết, xử lý. Số lượng công trình vi phạm mới vẫn ở mức cao, trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, đất rừng vẫn còn phổ biến”, ông Dũng cho hay.

Theo chuyên gia về quy hoạch đô thị Trần Tuấn Anh, Hà Nội không nên giao dự án mới cho các chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng là chế tài răn đe cần thiết. Đội quản lý trật tự xây dựng phải phát hiện ra sai phạm ngay từ đầu để ngăn chặn chứ không để tình trạng xây và bán cho dân xong rồi mới phát hiện sai phạm.Thậm chí, đối với các công trình xây vượt tầng không chỉ phạt hành chính mà phải cưỡng chế tháo dỡ. Làm như vậy mới không tạo thành tiền lệ để các công trình sau này sai phạm.

KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng cho rằng, đối với các dự án chung cư cao tầng, nếu chủ đầu tư xây vượt thêm một tầng thì sẽ có thêm hàng chục căn hộ để bán, thu lợi từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng, nên họ sẵn sàng nộp phạt để hợp thức hóa sai phạm của mình, vì vậy cần phải có chế tài nặng hơn. Tuy nhiên, việc phá dỡ một công trình kiên cố là không đơn giản, vừa ảnh hưởng đến tâm lý người dân đang sinh sống tại tòa nhà vừa gây tốn kém tài chính của Nhà nước.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, đến hết tháng 11/2019, có 135 dự án trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại những sai phạm. Các dự án này có tổng số hơn 62.200 căn hộ, trong đó, số căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận là 33.204 căn hộ; hơn 29 nghìn căn hộ đang phải xin ý kiến cơ quan chức năng trước khi cấp giấy chứng nhận.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong