Khó như xử lý tài sản bảo đảm!

Cập nhật 03/10/2012 08:00

Nợ xấu tăng, kinh doanh khó khăn, các ngân hàng đang gồng mình xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ. Nhưng, nếu như xử lý động sản tương đối thuận lợi thì xử lý bất động sản “khó như bắc thang lên trời” mà nguyên nhân chủ yếu là sự chây ì người vay bên cạnh không ít lỗi từ ngân hàng.

Thực tế xử lý tài sản bảo đảm ở các ngân hàng hiện nay cho thấy, có hai dạng thường gặp, đó là: tài sản bảo đảm là động sản và tài sản bảo đảm là bất động sản.

Theo Trưởng ban Pháp chế một ngân hàng thương mại cổ phần, mặc dù Nghị định 163/2006/NĐ-Chính phủ (29/12/2006) về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-Chính phủ (22/2/2012) về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 163, đã quy định tương đối đầy đủ những điều khoản nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là trong các tranh chấp dân sự giữa ngân hàng và người vay, nhưng thực tế không diễn ra như trong luật đã quy định.

Ngân hàng ngán ngẩm chây ỳ

“Luật quy định là thế nhưng để bán được tài sản bảo đảm, thu hồi nợ với những khách hàng chây ỳ thì khó như bắc thang lên trời!”, bà nói.

Thực tế xử lý tài sản bảo đảm ở các ngân hàng hiện nay cho thấy, có hai dạng thường gặp, đó là: tài sản bảo đảm là động sản và tài sản bảo đảm là bất động sản.

Với tài sản bảo đảm là động sản mà không phải đăng ký quyền sở hữu (máy móc, dây chuyền sản xuất...) thì theo hai nghị định trên, chỉ cần căn cứ vào những thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng mà ngân hàng và người vay đã ký kết, ngân hàng được phép bán qua đấu giá, thu hồi vốn; nếu còn thừa tiền thì chuyển thẳng vào tài khoản cho khách hàng là xong.

Nhưng, với tài sản bảo đảm là bất động sản (đất, tài sản trên đất...) thì do các tài sản này đòi hỏi phải đăng ký quyền sở hữu và liên quan đến phạm vi điều chỉnh nhiều bộ luật khác. Giả định, khách hàng không chịu ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho ngân hàng thì không bao giờ ngân hàng bán được để thu hồi nợ.

Ngân hàng có thể mang ra tòa nhưng khác với tòa hình sự, hầu hết tội danh đều được quy định khung hình phạt rất rõ trong luật nên dù chưa xử, ở một chừng mực nào đó, vẫn có thể hình dung được bản án ở mức nào. Nhưng với tòa dân sự thì không như vậy, có khi một vụ việc nhưng phán quyết ở hai tòa rất khác nhau, thậm chí đối lập.

Theo bà trưởng ban pháp chế nói trên, bên cạnh nhiều vụ tòa cứ theo luật là xử thắng cho ngân hàng nhưng không phải tất cả đều được như vậy. Trong nhiều trường hợp, để thu được nợ, ngân hàng phải... quan hệ tốt với tòa, kể cả khi ngân hàng có đủ chứng cứ hợp pháp! “Tốt” ở đây được hiểu là ngoài sự “thân mật”, còn phải trang bị kiến thức cho tòa để tòa hiểu nội tình, bởi lĩnh vực ngân hàng rất chuyên sâu mà không phải thẩm phán nào cũng am hiểu.

Có được bản án có lợi đã khó nhưng để cơ quan thi hành án làm “ngay và luôn” cho mình là cả vấn đề lớn, bởi cơ quan này cũng rất... bận!

Theo ông Nguyễn Văn Luyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, từ 1/10/2011 đến 31/3/2012, các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 148.389 trên tổng số 274.231 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 54,11%, thấp hơn 3,94% so với cùng kỳ năm 2011.

Vì thế, ngân hàng cũng phải “sát cánh” với cơ quan này thì mới mong thu được nợ do quyền năng của cơ quan thi hành án có quyền bán đấu giá bất động sản của con nợ để thu nợ cho ngân hàng, bất chấp con nợ có ký giấy chuyển nhượng quyền sở hữu hay không.

“Giá mà con nợ luôn có ý thức trả nợ và ý thức cùng với ngân hàng xử lý hậu quả khi mất khả năng trả nợ thì sẽ không có chuyện chây ỳ như thế”, bà trưởng ban pháp chế nói trên nói.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!

Trên thực tế, việc xử lý tài sản bảo đảm ở các ngân hàng khó khăn không chỉ do ý thức chây ỳ của con nợ mà còn ở cả lỗi từ ngân hàng mà cụ thể là sự tuân thủ các quy trình tín dụng (5 bước) cũng như quy định về giao dịch bảo đảm của luật pháp chưa đúng và đủ mà vụ việc lừa đảo liên quan đến ngân hàng NVB và phòng công chứng Việt Tín là một ví dụ.

Cụ thể, chỉ trong vòng một tháng, ngân hàng NVB đã ký 5 khế ước vay đối với một phụ nữ (chưa từng quan hệ tín dụng với ngân hàng) với tổng giá trị gần 5 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là các sổ đỏ mang tên phụ nữ này. Sau khi người này bỏ trốn, ngân hàng mới nhờ cơ quan công an can thiệp. Trong quá trình xác minh, cơ quan công an phát hiện người phụ nữ trên đã cho các hộ dân vay một số tiền rất nhỏ so với giá trị ngôi nhà, sau đó, lừa các hộ dân làm giấy chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất cho mình để mang thế chấp vay ngân hàng gần 5 tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Tuy nhiên, khi người viết làm việc với lãnh đạo chi nhánh ngân hàng này và yêu cầu xem hồ sơ thẩm định tài sản thế chấp thì ngân hàng chỉ trưng ra hợp đồng vay vốn của người được cho là lừa đảo và vài tấm ảnh chụp sơ sài mảnh đất ngổn ngang gạch vữa. Trong bức ảnh này không có ảnh chủ nhà (được cho là bị hại), cũng không có ảnh người đứng tên hợp đồng vay vốn.

Tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị hại ở vụ kiện này, luật sư Trịnh Cẩm Bình (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói: “Ngân hàng này còn lâu mới đòi được số nợ này vì vụ án liên quan đến hình sự đã được cơ quan công an khởi tố nên phải chờ phán quyết của tòa hình sự”. Trong khi đó, đối tượng lừa đảo đã bỏ trốn hiện đang truy nã gần hai năm qua nhưng vẫn “bóng chim tăm cá”.

Luật sư Bình cũng nêu một trường hợp khác là tài sản bảo đảm là lô hàng nhưng khi ngân hàng xuống phát mại thì toàn bộ số hàng đã không còn trong kho.

Ở một ví dụ khác, người viết từng “mục sở thị” tài sản bảo đảm để vay vốn của một doanh nghiệp thủy sản với một ngân hàng chỉ là những chiếc bàn làm việc có “tuổi thọ” không dưới 5 năm. Đến khi ngân hàng này bị sáp nhập, những cán bộ của ngân hàng sáp nhập đã rất bất bình vì không hiểu tại sao bàn làm việc lại có thể là tài sản bảo đảm!

Bởi vậy, theo bà, không ít hồ sơ kiện tụng liên quan đến tranh chấp dân sự giữa khách hàng vay vốn và ngân hàng, đã cho thấy, ngân hàng chưa hoàn toàn làm đúng quy trình nội bộ và quy định luật pháp” và đó cũng là một nguyên nhân làm cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm trở nên chậm trễ.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy