Các địa phương đang bị rối vì quá nhiều quy định điều chỉnh và phương thức bồi thường cho người dân bị giải tỏa trong quá trình triển khai dự án.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, các khiếu nại liên quan đến lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua tập trung chủ yếu vào vấn đề giá bồi thường. Đây cũng là lý do khiến tiến độ bồi thường nhiều dự án bị chậm.
Chính sách không đồng bộ
Đặc thù là quận nằm ở cửa ngõ TP với rất nhiều dự án quan trọng nên áp lực giải phóng mặt bằng, bồi thường đối với quận 9 rất lớn. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, cho biết trên địa bàn quận còn khá nhiều dự án kéo dài tiến độ bồi thường, tái định cư và chính sách không đồng bộ.
Chẳng hạn, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, dù là một dự án nhưng giá đền bù mỗi nơi lại khác nhau, ở quận 2 cao hơn quận 9 và quận Thủ Đức khiến người dân thắc mắc. “Nguyên nhân do giá đất ở tính theo giá đất hằng năm do TP ban hành nên giá đất của quận 2 sẽ cao hơn quận 9, quận Thủ Đức, vì vậy giá bồi thường của quận 2 cũng cao hơn” - ông Đức lý giải.
Không chỉ khác địa bàn, ngay trên địa bàn quận 9 cũng có sự khác nhau về giá bồi thường. Đơn cử, dự án cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, giai đoạn 1 triển khai năm 2009, áp giá bồi thường theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP: đất ở được bồi thường theo giá thị trường, đất nông nghiệp không khống chế hạn mức giao đất, giá bồi thường dao động từ 700.000 - 1,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giai đoạn 2 của dự án này được TP phê duyệt giá bồi thường vào tháng 9-2012 lại áp giá bồi thường theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP.
Tuy nhiên, giá đất nông nghiệp theo Nghị định 69 vừa khống chế hạn mức giao đất vừa áp theo giá đất nông nghiệp thuần nên chỉ được 849.000 đồng/m2 trong hạn mức 1.000 m2, ngoài số đó chỉ được bồi thường với giá 342.000 đồng/m2. “Như vậy, sau 3 năm, giá bồi thường không tăng mà còn giảm rất nhiều gây bức xúc cho người dân” - ông Đức nói.
Ngoài ra, trên địa bàn quận 9 đến nay vẫn còn nhiều dự án áp dụng chế độ chi trả bồi thường theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, như dự án khu công nghệ cao, dự án Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc…
So với các dự án triển khai sau này, giá bồi thường theo Nghị định 22/NĐ-CP quá thấp, cũng khiến các hộ dân không đồng ý, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, đến nay vẫn chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, quận 9 kiến nghị TP cần có nghiên cứu, điều chỉnh bất cập trong chính sách bồi thường hiện nay để chấm dứt tình trạng kéo dài quá trình bồi thường, gây thiệt thòi cho người dân.
Khu tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi trong dự án khu đô thị mới Đông Tăng Long (quận 9) vẫn chưa hoàn chỉnh về hạ tầng. Ảnh: MINH KHANH
|
Thiếu giá chuẩn, dễ so bì
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, phản ánh: Việc bồi thường theo cơ chế tự thỏa thuận tồn tại bên cạnh cơ chế Nhà nước thu hồi đất cũng đang tạo nên chênh lệch trong chính sách giá bồi thường. Cụ thể, giá bồi thường đất nông nghiệp đối với dự án do Nhà nước thu hồi thường từ 200.000 - 250.000 đồng/m2 trong khi cũng dự án này nhưng tư nhân chủ động thỏa thuận với người bị thu hồi đất thì giá đền bù có thể lên 5 - 8 triệu đồng/m2. Như vậy, không có một mức giá “chuẩn” để bồi thường đất nông nghiệp, dẫn đến sự so bì của người dân giữa 2 dự án khác nhau gây khó khăn cho việc vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương trong việc vận động người dân giao đất thực hiện dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động