Khó ngăn chặn nhà siêu mỏng nếu dân muốn giữ đất

Cập nhật 22/04/2010 10:40

"Việc mở đường đã đưa người dân vào tình thế khó xử, nhà nước không thu hồi hết, còn vài mét đất thì họ phải xây dựng để mưu sinh", ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trả lời phóng viên.


Một ngôi nhà méo đang xây chênh vênh trên mảnh đất rộng chừng 10m2 tại nút giao thông Thanh Xuân. Ảnh: Hoàng Hà.

Trên nhiều tuyến phố mới mở của Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, thành phố sẽ xử lý những ngôi nhà này thế nào?

Sở Xây dựng đang yêu cầu các quận huyện thống kê, có nhà có thể phá bỏ nhưng cũng có trường hợp rất khó xử lý. Trách nhiệm xử lý thuộc về các UBND phường, quận vì đã để dân xây nhà không phép, sai phép. Sở Xây dựng chỉ đôn đốc thực hiện, bởi không đủ người phá dỡ.

Những khu đất nhỏ hẹp chính quyền có thể thu hồi và sử dụng vào mục đích công cộng như cây xanh, chỗ nghỉ như một số nước. Người dân đi trên phố có thể dừng lại ngồi nghỉ ngơi. Vấn đề khó là thu một m2 đất cũng phải có dự án, ngoài ra, những lô đất đó rất dễ bị dân lấn chiếm.

Ông nghĩ gì trước ý kiến cho rằng để tránh những phức tạp như hiện nay, cần giải quyết vấn đề nhà siêu mỏng ngay từ khi giải phóng mặt bằng?

Trên tuyến phố mới mở, người dân cũng không muốn xây nhà siêu mỏng. Việc mở đường đã đưa người dân vào tình thế khó xử, nhà nước không thu hồi hết, còn vài mét đất, vì cuộc sống mà họ phải sử dụng để mưu sinh.

Chủ trương của thành phố là vận động các hộ dân hợp khối, song có 10 trường hợp thì chỉ có một thành công. Hộ bị cắt xén nếu bán diện tích còn lại theo giá giải phóng mặt bằng thì không bao giờ chấp nhận. Còn hộ bên trong chỉ muốn mua giá rẻ để thu lợi.

Từ năm 2007, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất trước khi mở đường, chủ dự án thống kê báo cáo thành phố thu hồi các lô đất nhỏ lẻ ngay từ khi cắm mốc mở đường. Đó mới giải quyết được gốc vấn đề. Thành phố đã chỉ đạo thời gian tới các dự án mới sẽ phải thu hồi đất theo hướng đó. Vấn đề nhà siêu mỏng dần dần mới giải quyết được, chứ không thể làm ngay.

Một lý do khiến nhiều tuyến phố xây dựng lộn xộn là thiếu quy hoạch không gian, đường làm xong vẫn chưa có quy hoạch... Ý kiến của ông thế nào?

Tốt nhất là phải có quy hoạch đô thị, nếu không thì phải có văn bản hướng dẫn khi tuyến phố mới mở ra thì chiều cao công trình như thế nào, cốt nền thế nào, trên cơ sở đó thì UBND quận, huyện mới có cơ sở giải quyết. Nếu chưa có văn bản chắc chắn địa phương khó quản lý.

Sở Xây dựng đã nhiều lần kiến nghị rồi, nhưng lĩnh vực quy hoạch thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc. Sở Xây dựng chỉ làm nhiệm vụ cấp phép theo quy hoạch, khi quy hoạch chưa có thì việc quản lý rất khó, chỉ tham mưu thành phố ra các chỉ thị đôn đốc hướng dẫn thực hiện nghiêm nhiệm vụ quản lý đô thị.

Tại khu vực cầu Vĩnh Tuy có ngôi nhà diện tích 3,8m2 vẫn xây 3 tầng, sai phạm khá rõ. Trách nhiệm của địa phương ở đây như thế nào?

Tôi thấy các quận huyện đã rất vất vả, như quận Thanh Xuân ngày đêm canh giữ song người dân vẫn xây dựng ồ ạt. Trong ngày nghỉ lễ người ta có thể căng bạt xây dựng. Vì mưu sinh người dân kiên quyết xây lên để giữ đất, một khi người dân cố tình thì rất khó ngăn chặn.

Theo tôi, chính quyền phường phải phối hợp với công an thì mới hạn chế được tình trạng xây dựng không phép.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress