Khó kiếm lời từ sân golf

Cập nhật 07/05/2013 09:36

VN cần bao nhiêu sân golf nữa trong tương lai khi phần lớn sân golf hiện đều rơi vào tình trạng lỗ kéo dài?

>> Bí mật phía sau sân golf


Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Kiên Thành, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Golf  VN (VGA), cho rằng phải nhìn việc đầu tư kinh doanh sân golf ở VN một cách thoáng hơn nhưng cũng không thể cho đầu tư một cách ồ ạt. Ông Thành nói:

- Chơi golf là cuộc chơi tương đối cao cấp, đắt tiền và đặt trong bối cảnh đất nước còn nghèo như VN thì quả là có phần khó nghe. Nhiều người cũng đặt vấn đề tại sao khách sạn năm sao quốc tế phải nằm ở vị trí đắc địa của TP.HCM mà chỉ có 100-200 phòng phục vụ tối đa được 300 người/đêm. Nó tiêu tốn một khối lượng điện khủng khiếp, nếu phân bổ số điện này cho người nghèo thì hữu ích bao nhiêu. Tại sao khu đất đó không xây dựng những công trình công cộng khác như rạp hát, chung cư... để phục vụ cộng đồng. VN là một nước đang phát triển cần hội nhập, cần phát triển kinh tế, cần đầu tư nước ngoài, cần khách du lịch nước ngoài đến... khách sạn năm sao nọ chính là điểm nhấn tạo ra giá trị cộng thêm cho điểm đến TP.HCM, tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo thêm sản phẩm cho du lịch.

Đầu tư sân golf là để phục vụ những nhà đầu tư nước ngoài tại VN, du khách nước ngoài đến VN, những người có thu nhập cao, cũng là nơi để các quan chức chính quyền chơi golf với khách quốc tế... Đó có thể là một trong những yếu tố để thu hút tạo nguồn lực khác vào VN hay vào địa phương có sân golf. Còn như thế nào mới đủ thì những người quản lý phải cân nhắc chứ đừng đặt ra một con số cứng nhắc nào đó rồi bằng mọi cách đạt được.

* Theo quy hoạch đến năm 2020, VN sẽ có khoảng 90 sân golf, xét trên nhu cầu phát triển của đất nước tới thời điểm đó, ông có nghĩ rằng đây là con số hợp lý?

- Sẽ rất khiên cưỡng khi so sánh số lượng sân golf ở VN với các nước trong khu vực và đặt ra một con số để đạt tới vì các tiêu chí đều không tương xứng. Đất nước họ đã phát triển môn thể thao này từ bao lâu, nền kinh tế họ phát triển như thế nào, mức thu nhập người dân ra sao, bao nhiêu triệu lượt người đến du lịch một năm... trong khi chúng ta như thế nào?

Nhu cầu đánh golf tự nó sẽ điều chỉnh, làm như tỉnh Long An ngày trước cũng không đúng (một xã có vài sân golf), nhưng chỉ nhìn vào Long An để nhận xét rằng chúng ta đang bị thừa mứa sân golf thì tôi cho rằng hơi vội vàng. Rất nhiều người phê phán đầu tư sân golf ô nhiễm, tiêu tốn nhiều nước, phân bón... nhưng lại chưa bao giờ bước vào sân golf.

Cả một thời gian dài trung tâm kinh tế lớn nhất VN như TP.HCM với gần 10 triệu dân hằng năm đón gần 60% tổng lượng khách quốc tế đến VN, nhưng chỉ duy nhất một sân golf 36 lỗ (khoảng một năm trở lại đây đã tăng lên hai sân golf - NV) thế là nhiều hay ít? Ở sân golf này người ta rồng rắn xếp hàng đăng ký để được chơi vì đó là nơi gần nhất mà người dân sống ở TP.HCM muốn chơi không phải đi xa hơn.

Vì vậy, theo tôi, những trung tâm kinh tế, du lịch như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt... nên có nhiều sân golf, còn lại những nơi khác nên ít hơn.

Xây dựng một sân golf đòi hỏi diện tích đất lớn mà các trung tâm kinh tế, du lịch làm sao có diện tích đất hoang hóa lớn để đầu tư sân golf. Vấn đề là những người ra quyết sách phải tinh tế cảm nhận được sự bức xúc, cần thiết tồn tại của sân golf ở địa phương mình so với bức tranh tổng thể. Như TP.HCM, tôi cho rằng nếu phải hi sinh một số diện tích mà có lẫn một ít đất nông nghiệp nào đó để có một sân golf thì cũng xứng đáng vì khả năng mang lại những lợi ích khác của sân golf như mãi lực bất động sản, hấp dẫn đầu tư, môi trường sống cho người nước ngoài, gia tăng giá trị của điểm đến du lịch... Ngược lại nếu đầu tư một sân golf trên vùng núi Hòa Bình quỹ đất sẽ thoải mái nhưng ai sẽ đến đó để đánh golf, hoặc một tỉnh nào đó theo quy hoạch chỉ trong một huyện lại có đến vài ba sân golf liệu có lợi ích gì không?

* Được biết trước đây ông từng đầu tư kinh doanh sân golf, nhưng vì sao ông rút khỏi lĩnh vực này?

- Đầu tư sân golf rất khó kiếm lời. Tôi bán sân golf 18 lỗ ở Vĩnh Phú do khó nhìn thấy hướng ra. Phương án thu hồi vốn tốt nhất trong kinh doanh sân golf chủ yếu là bán thẻ thành viên. Vốn đầu tư trung bình một lỗ golf là 1 triệu USD, một sân golf 18 lỗ có thể phục vụ tối đa 1.000 thành viên, để thu hồi vốn tôi phải bán được thẻ thành viên với giá 30.000 USD/thẻ trong suốt quá trình hoạt động của sân golf.

Tuy nhiên, sân golf của tôi tính đến thời điểm bán lại cho người khác năm 2009 chỉ có khoảng 150 thẻ được bán ra với giá trung bình 6.000 USD/thẻ. Trong khi đó, chi phí trang trải một tháng hoạt động của sân golf là 3-4 tỉ đồng, nên để duy trì hoạt động doanh thu phải có ít nhất 140 triệu đồng/ngày. Như vậy nếu khách chơi là hội viên (chỉ phải trả 20 USD/ngày) thì phải có ít nhất 300 hội viên (150 hội viên/sáng, 150 hội viên/chiều) đến chơi mới huề vốn, trong khi sân của tôi chỉ mới bán có 150 thẻ. Vì vậy, việc lỗ là khó tránh khỏi.

* Nhiều chuyên gia cho rằng đầu tư sân golf vẫn có lời “đậm” do có kèm theo các dự án bất động sản?

- Có người nói rằng làm sân golf là hình thức trá hình để bán bất động sản. Nói thế thôi chứ rất khó bán được bất động sản trong sân golf, vì giá đâu có rẻ và sẽ có rất ít người bỏ ra một số tiền không nhỏ để vào sân golf ở. Sân golf thường ở nơi xa trung tâm, một số sân có hệ thống đèn đánh ban đêm nhưng cũng đâu có đánh mỗi đêm, khoảng không còn lại là tối om, đó là chưa kể thiếu cơ sở vật chất hạ tầng: trường học, siêu thị, chợ, cửa hàng...

Tôi nhắm hơn 50% nhà đầu tư các sân golf ở VN là 100% vốn của người Việt. Nhiều cái còn lỗ dài dài mà người ta vẫn kinh doanh vì họ kỳ vọng vào tương lai. Tốc độ thu hồi vốn đầu tư sẽ phụ thuộc vào số lượng thẻ thành viên bán ra được và giá trị thực thẻ bán bao nhiêu.

* Theo ông, một người chơi golf mất bao nhiêu tiền trong một năm?

- Để chơi golf thuần túy nếu là thành viên phải trả 20 USD/lần, trung bình một tháng chơi sáu lần, mỗi lần chơi tốn thêm 20-30 USD cho ăn uống sinh hoạt thì một tháng mất khoảng 300 USD (6 triệu đồng), rồi mua bóng, giày dép, quần áo cả năm tốn hơn 5.000 USD (hơn 100 triệu đồng). Đó là chưa kể một khoản tiền lớn 40.000-60.000 USD đóng để là thành viên của một sân golf. Khi kinh tế khá giả, khoản tiền này với một số người không phải là quá lớn. Tôi hi vọng đến một lúc nào đó đánh golf không bị xem là môn thể thao khó chịu với nhiều người.

Ông Mai Văn Nghĩa (phó tổng giám đốc sân golf Twin Doves, Bình Dương):

“Một số đại gia đã ngưng chơi golf”

Theo tôi, với số lượng người chơi trên tổng số sân golf hiện nay là vừa đủ, tình hình kinh tế khó khăn, lượng golf thủ tăng rất chậm, trong khi đó một số lớn đại gia bất động sản là khách hàng cũ của chúng tôi đã ngưng chơi golf vì kinh tế khó khăn quá. Tôi cho rằng phía Nam với số sân golf hiện nay như vậy là đủ. Dù rằng thỉnh thoảng trong thời gian mùa đông khách nước ngoài đến sân golf chơi tăng đột biến nhưng với chi phí đánh golf ở VN còn quá cao như hiện nay (3-4 lần trong khu vực), VN vẫn chưa thể là điểm đến du lịch đánh golf trong tương lai.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ