Tiến hành dự án thì không có vốn, vay được vốn thì lãi suất quá cao, chậm trễ thi công thì bị thu hồi đất... nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
Giám đốc một công ty đang có dự án xây trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng tại TP.HCM cho biết, hồ sơ vay vốn ngân hàng của công ty này đã nộp cho ngân hàng xét duyệt từ lâu và khả năng được vay vốn là khá lớn.
Tuy nhiên, với lãi suất 21%/năm hiện nay và số tiền cần vay lên tới gần 300 tỉ đồng, chỉ tính trả lãi, mỗi tháng công ty đã mất vài tỉ. "Dự án chưa có nguồn thu gì mà mỗi tháng phải trả lãi 5 - 7 tỉ đồng, sức đâu mà chịu nổi", vị giám đốc này than.
Thiếu vốn, không chịu nổi lãi suất ngân hàng nhưng công ty này cũng không thể dừng dự án bởi sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị thu hồi đất. Nếu dự án chưa khởi động thì thu hồi cũng được, nhưng dự án của công ty đã đi được 1/3 quãng đường với số tiền bỏ ra tới hàng trăm tỉ đồng. Đó chính là cái khó của chủ đầu tư, và công ty vẫn đang loay hoay chưa biết giải quyết như thế nào.
Cũng rơi vào tình trạng khó khăn như trên, một chủ đầu tư khác đã huy động vốn từ khách hàng với ưu đãi về giá cả và quyền lợi thuê văn phòng sau khi dự án hoàn thành. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng được với một bộ phận rất nhỏ những khách hàng là bạn bè, doanh nhân quen biết, và bài toán về vốn vẫn chưa có lời giải.
Một chủ đầu tư cao ốc chung cư tại Q.8 (TP.HCM) cho biết, công ty này đã chấp nhận gánh nặng lãi suất ngân hàng để đẩy dự án đi đúng tiến độ với hy vọng, cuối năm nay thị trường căn hộ sẽ tan băng và có thể thu hồi vốn sớm. Theo kế hoạch, cao ốc 15 tầng của công ty này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009.
"Theo đúng tiến độ, cuối năm nay dự án sẽ lên được tầng thứ 4. Lúc đó nếu thị trường BĐS khởi sắc trở lại, chúng tôi bán được hàng thì 11 tầng tiếp theo sẽ không phải chịu gánh nặng lãi suất. Hiện nay chúng tôi đang vay cầm chừng, làm đến đâu, vay đến đó để giảm bớt gánh nặng lãi suất" - giám đốc công ty này cho biết.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS nhận xét, hàng loạt công ty trong lĩnh vực BĐS đang rất khó khăn về vốn và nhiều công ty đứng trước nguy cơ phá sản vì bế tắc phương án giải quyết.
Thị trường BĐS vẫn tiếp tục chiều hướng đi xuống, khó khăn nối tiếp khó khăn và các doanh nghiệp BĐS đang nỗ lực tìm mọi con đường để có thể tồn tại qua thời kỳ này. Không ít công ty vẫn cố gắng bám víu dự án, bởi dự án còn thì hy vọng còn, dự án mất thì có thể số tiền thực sự phải mất còn cao hơn.
Theo Thanh Niên