Khó “đóng mạch” cho đường vành đai III Hà Nội

Cập nhật 10/08/2009 11:10

Một đoạn đường thuộc Dự án vành đai III Hà Nội sau khi hoàn thành. Ảnh: Đức Thành.

Khi Dự án xây dựng đường vành đai III Hà Nội hoàn thành, công trình trọng điểm này cũng khó phát huy hết hiệu quả khi vẫn bị “đứt” thành 2 đoạn.

Dốc vốn cho nhà thầu xây lắp

Theo ông Nguyễn Bá Côn, Giám đốc điều hành Dự án đường vành đai III Hà Nội, hiện đại diện Tổng công ty liên danh xây dựng công trình 18 (Cei18) đang cố hết sức để hoàn thành công trình vào ngày 31/12/2009. Được biết, theo tinh thần của Thông báo số 198/TB – BGTVT ngày 15/5/2008 của Bộ GTVT, mốc hoàn thành của Dự án xây dựng đường vành đai III Hà Nội đoạn Mai Dịch – Pháp Vân dài 10,24 km diễn ra lay lắt suốt hơn 7 năm qua sẽ không được lùi thêm nữa. Do được Thủ tướng Chính phủ chọn là công trình giao thông trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long, đơn vị thi công sẽ thông xe đoạn đường từ đường Nguyễn Trãi đến Linh Đàm (trừ nút giao Thanh Xuân) trước thời gian đã được ấn định đó.

Cần phải nói thêm rằng, đây là giai đoạn II của Dự án xây dựng đường vành đai III Hà Nội được đầu tư bằng nguồn trái phiếu chính phủ, sau khi giai đoạn I xây dựng đoạn đường từ Mai Dịch đến Trung Hoà thực hiện theo phương thức hợp đồng BT kết thúc vào tháng 12/2005. Theo đó, tổng mức đầu tư để hoàn thiện nốt 6 km đường còn lại từ nút giao Trung Hòa đến bắc hồ Linh Đàm đã tăng lên tới 2.201 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) chiếm 1.276 tỷ đồng.

Trước đó, do vướng mặt bằng và biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, trong suốt hơn 3 năm triển khai giai đoạn II, Dự án xây dựng đường vành đai III gần như “án binh bất động” bất chấp áp lực phải hoàn thành sớm từ phía UBND TP. Hà Nội và Bộ GTVT. Tính đến giữa tháng 5/2008 – thời điểm Bộ GTVT “chốt” lại tiến độ và chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là Hợp đồng xây dựng gốc trị giá 458 tỷ đồng được ký kết giữa Bộ GTVT và Cei18 kết thúc, hai đơn vị xây dựng hàng đầu của Bộ GTVT mới đạt được khoảng 16% (75 tỷ đồng) giá trị của Dự án.

Vào thời điểm hiện tại, sau hơn 1 năm được chủ đầu tư “dốc hết vốn”, chấp nhận cho phép nhà thầu được bù biến động giá vật liệu, Cei18 đã cơ bản hoàn thành những đoạn đường có mặt bằng, bao gồm 1,2 km từ nút giao Trung Hòa tới Gò Đông Thây (nằm trọn trên đường Khuất Duy Tiến) và 3,5 km từ cuối nút giao Thanh Xuân tới bắc hồ Linh Đàm. “Diện mạo của tuyến đường hiện đại nhất Hà Nội đạt tiêu chuẩn đường phố chính cấp 1 với chiều rộng lên tới 78,3 m – 86 m đã cơ bản hình thành. Tổng khối lượng thực hiện của Dự án đã đạt 75% giá trị hợp đồng”, ông Phạm Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long – đơn vị đại diện chủ đầu tư cho biết.

Tiếc cho 1 đoạn đường đẹp

Được biết, cái giá cho đợt “dồn sức và dốc vốn” cho Dự án tai tiếng này không hề nhỏ. “Bên cạnh việc phải lùi thời hạn hoàn thành 15 tháng, giá trị hợp đồng xây lắp đã trượt từ 458 tỷ đồng lên 659,6 tỷ đồng và hoàn toàn có thể “ngốn” thêm toàn bộ số tiền 264 tỷ đồng dự phòng của chủ dự án, khi hạng mục được điều chỉnh giá lớn nhất là thảm bê tông nhựa mới tiến hành được khoảng 50% khối lượng”, ông Bình cho biết.

Tuy nhiên, việc chủ đầu tư và các nhà thầu không tiếc tiền để “dìu” công trình về đích trước ngày 31/12/2009, người tham gia giao thông lại càng có lý do để tiếc cho Dự án, bởi tuyến đường gần như bị đứt thành 2 đoạn khi nút giao Thanh Xuân – nút giao lớn nhất hiện vẫn chưa thể thi công do vướng mặt bằng. Trong nỗ lực để sớm có đủ mặt bằng phục vụ thi công, ngày 3/8, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và đại diện các hộ dân có đơn khiếu nại đã có buổi đối thoại giải quyết các nội dung khiếu nại về nút giao Thanh Xuân, Dự án đường vành đai III Hà Nội do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Cũng giống như cuộc đối thoại với những nội dung tương tự được tổ chức vào năm 2007, lãnh đạo Thanh tra Bộ GTVT, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và đại diện các hộ dân, tiếp tục không thể tìm được tiếng nói chung xung quanh các khiếu nại về việc chủ đầu tư tự ý điều chỉnh quy hoạch của Dự án không đúng thẩm quyền, trình tự và thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; không công bố mặt cắt quy hoạch qua quận Thanh Xuân; triển khai thiết kế kỹ thuật sai về quy mô, không phù hợp với thiết kế sơ bộ trong hồ sơ Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa công khai phương án tổng thể về đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Tình hình phức tạp tới mức, trong tổng số 1.467 hộ dân bị ảnh hưởng tại nút giao Thanh Xuân hiện còn tới 127 hộ dân chưa hợp tác với tổ chức làm nhiệm vụ GPMB, không thực hiện kê khai, cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến việc sử dụng đất.

“Nếu UBND TP. Hà Nội không có một giải pháp mang tính đột phá, để bàn giao được toàn bộ mặt bằng nút giao Thanh Xuân trước ngày 30/92009, chủ dự án không thể hoàn thành toàn bộ công trình trước dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Khi đó, thay vì là công trình chào mừng đại lễ, do không “đóng được mạch”, đường vành đai III sẽ là điểm ách tắc giao thông lớn nhất ở phía Nam Hà Nội, ông Nguyễn Bá Côn bình luận.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư