Khó chịu với tin nhắn rác chào bán bất động sản

Cập nhật 12/02/2015 09:12

Sự ấm lên của thị trường bất động sản qua các bản báo cáo không che giấu được một thực tế: nguồn cung mới đang tạo áp lực lên hàng tồn kho.


Dự án Khu đô thị An Hưng (Hà Đông, Hà Nội) đã hoàn thiện, sẵn sàng giao nhà nhưng có rất ít người ở. Ảnh: H.Q

Dùng tin nhắn chào bán cả dự án siêu sang

Bất cứ ai vào thời điểm này, mỗi ngày đều có thể nhận được vài ba, thậm chí, hàng chục tin nhắn chào mua bất động sản. Trước đây, phương thức bán hàng này, thường chỉ áp dụng với các loại căn hộ chung cư, nhà ở giá rẻ, thì nay, căn hộ siêu sang, biệt thự, liền kề ở những dự án tiếng tăm nhất cũng được đều đặn gửi đến khách hàng.

Cách làm này mang lại hiệu quả nhất định cho một số chủ đầu tư và đơn vị môi giới bất động sản. Tuy nhiên, nó cũng mang lại nhiều phiền toái cho chủ các thuê bao, đồng thời cho thấy bộ mặt thật của thị trường bất động sản ở hầu hết các dự án bất động sản “tồn kho”.

Theo ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đầu tư quốc tế Hoàng Gia, việc nhắn tin giới thiệu sản phẩm qua điện thoại là giải pháp hay, cung cấp sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng. Song quan trọng là, việc giới hạn số lượng ra sao, bởi hiện thị trường bị quá nhiều đơn vị lạm dụng, nhắn tin cho khách hàng quá nhiều, không biết phân loại đối tượng khách hàng phù hợp với sản phẩm bất động sản.

“Việc gửi tin nhắn quảng cáo cùng một sản phẩm nhưng ở tần suất quá nhiều sẽ phản tác dụng, khiến khách hàng khó chịu”, ông Cao nói.

Về phía chủ đầu tư, tin nhắn spam lại mang đến rất nhiều lợi ích, đặc biệt là tiết kiệm chi phí PR, marketing. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những ý kiến trái chiều từ phía người tiêu dùng, cũng như sự ám ảnh về số lượng bất động sản tồn kho tại các dự án được chào bán.

Trên trang facebook cá nhân, chị Nguyễn Thị Phương, làm việc tại quận 3 (TP.HCM) cho biết: “Có lúc đang đi đường, thấy cuộc gọi đến hoặc tin nhắn, nghĩ có việc gấp, nên tấp vô lề, lấy điện thoại ra nghe mới biết nhân viên môi giới đang quảng cáo bán dự án. Có ngày nhận điện thoại liên tục, nhưng toàn từ công ty bất động sản”. Nhiều chủ thuê bao tỏ ra khó chịu khi liên tục nhận được những tin nhắn chào mua bất động sản và kêu gọi tẩy chay với các dự án nhắn tin kiểu này.

Cung thật, cầu ảo

Thực tế tại những buổi lễ mở bán dự án bất động sản tại TP.HCM và đặc biệt là Hà Nội thời gian gần đây, những người chú ý quan sát có thể dễ nhận ra đối tượng chiếm đa số trong các buổi lễ mở bán là đội ngũ môi giới làm các sàn giao dịch bất động sản. Phần nhiều trong đó là các bạn trẻ - những người ngày ngày cần mẫn nhắn tin, gọi điện cho các thuê bao được các sàn giao dịch đưa vào danh sách khách hàng tiềm năng.

Bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Nghiên cứu của CBRE Việt Nam cho biết, trong những sự kiện bán hàng của một số dự án gần đây, có những khách hàng mua cùng lúc 10 – 20 căn hộ, thậm chí, có người mua nguyên cả sàn căn hộ để bán lại. Đây là yếu tố quan trọng giúp số lượng căn hộ chào bán ra thị trường tăng lên và giúp cho thị trường sôi động thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, năm 2014, Hà Nội có khoảng 11.450 giao dịch thành công (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013). Tại TP.HCM, con số này là 10.350 giao dịch (tăng 30% so với năm 2013). Với lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh trong năm 2014, tồn kho bất động sản đã giảm mạnh. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn còn tồn kho hàng chục ngàn căn hộ cao cấp, hàng ngàn biệt thự, liền kề xây xong không có người ở.

Trong khi đó, thị trường bất động sản cũng đang chào đón một lượng lớn sản phẩm gia nhập thị trường trong năm 2015. Tại Hà Nội, các dự án lớn có thể kể đến, như Dự án Castle Plaza (136 - Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm), quy mô 5.000 căn hộ vừa được khởi động lại sau 4 năm bất động với cái tên mới là Goldmark City; các dự án FLC Complex tại 36 - Phạm Hùng, FLC Garden City tại Đại Mỗ (Từ Liêm), FLC Star Tower tại Hà Đông của Tập đoàn FLC với khoảng 4.000 căn bộ, biệt thự, liền kề các loại, Dự án Green Star (234 - Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm) với hơn 2.000 căn hộ, Dự án Chung cư Đông Đô (quận Cầu Giấy), Chung cư Đồng Phát (Vĩnh Hưng, Hoàng Mai), Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức)… sau thời gian tái cơ cấu cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để tung hàng ra thị trường.

Tại TP.HCM, trong số các dự án bất động sản được khởi công xây dựng cuối năm 2014 phải kể đến Khu đô thị cao cấp Vinhomes Central Park (quận 1); Dự án Nhà ở Bộ Công an tại 83 - đường số 3 (quận 2) của Tập đoàn Phú Cường; Dự án Khu cao ốc chung cư - văn phòng - dịch vụ thương mại tại 16 - đường Âu Cơ của Tập đoàn Hưng Thịnh với hơn 1.000 căn hộ…

Với số lượng bất động sản mới gia nhập thị trường này, việc có thêm những dự án nhà ở, khu đô thị mới xây dựng xong không có người ở là điều có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai gần.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư