Thời gian qua, ở hàng loạt các khu chung cư được coi là cao cấp đã xảy ra tình trạng người dân khiếu nại việc các ban quản lý áp đặt mức giá dịch vụ một cách phi lý, không tôn trọng khách hàng. Thậm chí, có nơi người dân đã tổ chức đấu thầu chọn đơn vị dịch vụ thay thế.
Chúng tôi sẵn sàng bàn giao lại...
Theo kiến nghị của người dân, bức xúc lớn nhất là quyền và trách nhiệm của Ban quản trị (BQT) do dân bầu theo Luật Nhà ở không được tôn trọng. Mức giá dịch vụ (gồm trông xe, vệ sinh, thang máy...) được đơn vị dịch vụ đưa ra quá cao, không tham khảo ý kiến của BQT. Ông Phạm Viết Phượng, thành viên BQT tòa nhà 27 Huỳnh Thúc Kháng cho biết, BQT đã được thành lập từ những năm 2004 - 2005 nhưng chỉ là lâm thời, không có quy chế hoạt động.
Chủ đầu tư và đơn vị cung cấp dịch vụ ký tiếp hợp đồng bỏ qua việc tham khảo ý kiến của BQT. Vì vậy, mong muốn của người dân là phải xây dựng được quy chế hoạt động thực sự của BQT để bảo vệ quyền lợi cho những người đã bỏ tiền mua nhà.
Tuy nhiên, phía đơn vị dịch vụ vẫn cho rằng họ đang làm đúng quy định, không có chuyện coi thường BQT hay tự ý áp đặt mức giá dịch vụ. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Cty TNHH Homecare, đơn vị quản lý tòa nhà 27 Huỳnh Thúc Kháng cho biết, mức giá đưa ra tuân thủ theo biểu giá quy định, đồng thời có khảo sát mặt bằng thị trường.
Công ty xác định mình chỉ là người làm thuê và rất tôn trọng BQT thể hiện qua việc nhiều lần có công văn, thư, thậm chí đề nghị được gặp trực tiếp đại diện BQT tòa nhà để giải quyết các khúc mắc. Nếu thực sự, đại bộ phận cư dân trong tòa nhà không chấp thuận dịch vụ thì Cty sẵn sàng bàn giao lại cho chủ đầu tư và người dân để BQT chọn một đơn vị cung cấp khác.
Phải hiểu đúng quy trình
Mô hình khu đô thị The Manor.
Theo ông Michael Smith, Trưởng phòng Quản lý công sản-khu đô thị Ciputra, hiện nay có một số quy trình thành lập BQT chưa được hiểu đúng đã dẫn tới khiếu nại. Chẳng hạn, BQT được thành lập khi có hơn 50% số công dân đến ở. Nếu dự án chưa hoàn thành, việc tiếp nhận quản lý và cung cấp dịch vụ là từ sự chỉ định của chủ đầu tư.
Thực tế số lượng cư dân đến ở chỉ khoảng 30 - 40% quy mô dự án, nên mức thu hiện tại không đủ bù chi. Do đó, chủ đầu tư vẫn đang phải hỗ trợ hơn 50% chi phí quản lý. Nếu không có sự hỗ trợ này, mức phí tính trên mỗi mét vuông sử dụng sẽ còn cao hơn. Năm ngoái, tại khu đô thị Ciputra đã xảy ra tình trạng một số hộ dân khiếu nại, thắc mắc về mức phí, nhưng sau đó đã được giải quyết êm xuôi, vì nhận thấy chủ đầu tư làm như vậy là để bảo vệ quyền lợi cho tất cả mọi người.
Ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, cho rằng mâu thuẫn giữa người dân và các đơn vị quản lý dịch vụ có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật còn bất cập. Ví dụ, việc cấp “sổ đỏ” cho nhà chung cư theo NĐ 90/CP, trong đó có ghi địa chỉ và toàn bộ diện tích của tòa chung cư, trong khi thực tế người chủ của tấm “sổ đỏ” ấy lại ở một căn hộ khoảng 100m
2 trên tầng 20.
Điều đó dẫn tới cách hiểu của không ít người dân là “tôi đang ở trên toàn bộ diện tích này và tôi có quyền làm gì trên phần đất ấy cũng được”. Nhưng, thực tế phải hiểu rằng các phần diện tích chung như hành lang, cầu thang… là thuộc quyền quản lý của Nhà nước, không ai được phép chiếm dụng nó.
Ngược lại, luật đã quy định, các khu đô thị, tòa nhà khi đã đủ điều kiện thì phải thành lập BQT, đại diện quyền lợi cho toàn bộ cư dân trong tòa nhà. BQT có quyền ký hoặc không ký tiếp với đơn vị cung cấp dịch vụ; thỏa thuận trực tiếp với đơn vị cung cấp dịch vụ về mức phí. Đồng thời, BQT phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước thành phố và trước Nhà nước về các mặt vệ sinh môi trường, điện chiếu sáng hành lang và trong từng căn hộ, cầu thang máy vận hành tốt… Chủ đầu tư không thể trốn tránh việc thành lập BQT.
Theo Hà Nội Mới