Khiếu nại đất đai: Luật mới khác gì luật cũ?

Cập nhật 05/12/2015 08:02

Theo Luật Đất đai 2013, trường hợp khiếu nại do chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại lần hai đến bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.

Nhiều bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM thắc mắc: Trong việc giải quyết khiếu nại về đất đai, quy định của Luật Đất đai 2013 có gì khác so với luật cũ? Đối với các quyết định giải quyết của chủ tịch UBND cấp tỉnh, người dân có còn được khiếu nại tiếp đến cấp trung ương (Thanh tra Chính phủ hay Bộ TN&MT…) hay khởi kiện ra tòa?

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Luật Đất đai 2003 quy định rõ trình tự, thủ tục về giải quyết khiếu nại tại Điều 138. Theo đó, trường hợp khiếu nại do chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện tại TAND hoặc tiếp tục khiếu nại đến chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trường hợp khiếu nại do chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện tại TAND.

Thu hồi đất xây dựng một dự án nhà ở. Ảnh: HTD

Nay Luật Đất đai 2013 quy định việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện theo quy định chung của Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính. Cụ thể, Điều 204 luật này quy định: “1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai. 2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính”.

Như vậy, với Luật Đất đai 2013 thì cần lưu ý là đối với trường hợp khiếu nại do chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại lần hai đến bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

“Vậy quyết định hành chính về quản lý đất đai là những loại quyết định nào? Hành vi hành chính về quản lý đất đai là những hành vi nào?”.

Với câu hỏi này, viện dẫn Luật Tố tụng hành chính, luật sư Hoan giải đáp: Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Như vậy, có thể hiểu quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai đó là quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia hạn thời hạn sử dụng đất...

Còn hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP