Từ một hội thảo gần đây của hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA), ước tính chỉ có khoảng 10% nhà đầu tư trong nước có đủ năng lực tài chính đáp ứng đòi hỏi của luật Nhà ở. Do vậy, nhiều đơn vị doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhà nước nới lỏng quy định về huy động vốn xây dựng nhà ở.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thị trường vốn cho phát triển dự án đã thực sự được khai thông. Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt rót vào thị trường bất động sản. Thị trường này cũng đồng thời hấp thu một lượng lớn vốn tích tụ sau một năm thị trường chứng khoán phát triển nóng, vốn kiều hối, vốn ngân hàng kích cầu bất động sản… Tất cả những tác động này đã thúc đẩy hàng loạt dự án được công bố, khởi công.
Thực tế trên cho thấy, đã có thể cứng rắn hơn đối với việc huy động vốn của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo quyền lợi của người có nhu cầu về nhà ở, đầu tư.
Nghị định 153 mới đây có giải thích rõ hơn về thời điểm huy động vốn lần đầu là khi chủ đầu tư “đã bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật”. Đây chính là câu trả lời chính xác với những doanh nghiệp không đủ năng lực, nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và người có nhu cầu nhà ở.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị