Tranh cãi từ việc cấp giấy chủ quyền cho công trình khi chỉ mới xây xong phần thô mà thật ra là lập biên bản hoàn công công trình trong thời điểm công trình chỉ mới xây xong phần thô đã làm bật ra những vấn đề thú vị trong quá trình cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép.
Công trình số 180-182-184 Nguyễn Trãi (P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM) đã được UBND Q.1 cấp giấy chủ quyền khi xong phần thô- Ảnh: P.Huy |
Quy định đã “cởi trói”
Sau rất nhiều lần thay đổi, hiện việc cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép được điều chỉnh bởi nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và nghị định 83/2009/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 19.
Theo đó, việc cấp phép xây dựng cho công trình được “mở” rất “thoáng” với hồ sơ xin phép ngoài các giấy tờ hợp lệ về đất chỉ bao gồm bản vẽ thể hiện vị trí mặt bằng, mặt cắt, các mặt đứng chính của công trình; sơ đồ vị trí tuyến công trình, sơ đồ hệ thống cấp thoát nước, kỹ thuật cấp điện...
Nói khác hơn, cơ quan cấp phép chỉ quản lý về mặt nhà nước đối với công trình được cấp phép (vị trí, diện tích, các thông số quy định về quy hoạch như chiều cao, khoảng lùi, mật độ xây dựng...), song không quản lý về mặt kỹ thuật, chất lượng cũng như thẩm mỹ công trình. Quy định trên được xem như “cởi trói” cho người dân về mặt thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm đối với chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng.
Quy định cũng thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép xây dựng cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc kiểm tra việc xây dựng theo giấy phép đã được cấp, trong đó có việc kiểm tra hoàn công công trình. Tuy vậy, thời điểm kiểm tra hoàn công công trình là vấn đề cần được đặt ra.
Hoàn công tạo “kẽ hở”
Tại một số địa phương, việc kiểm tra hoàn công của cơ quan chức năng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư (báo hoàn công). Khi này, công trình có thể chỉ mới xây dựng xong phần thô hoặc đã hoàn thiện, chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến xây dựng công trình. Với trường hợp kiểm tra hoàn công tại thời điểm công trình đã dừng mọi hoạt động xây dựng, việc phát hiện và xử lý xây dựng sai phép hoàn toàn không khó.
Tuy nhiên như đã nói ở trên, do cơ quan cấp phép chỉ quản lý về mặt nhà nước đối với công trình xây dựng được cấp phép, nên việc kiểm tra hoàn công công trình ở giai đoạn công trình chỉ mới xây dựng xong phần thô hoàn toàn không sai, song đây chính là “kẽ hở” lớn nhất mà các chủ đầu tư thường “vin” vào đó để thực hiện hành vi xây dựng sai phép. Nhiều chủ đầu tư sau khi báo hoàn công (đúng giấy phép được cấp) và xin cấp giấy chủ quyền đúng quy định đã “tranh thủ” thời điểm thi công phần hoàn thiện (vốn không phải kiểm tra hoàn công theo quy định) đã thi công sai phép.
Cạnh đó, quan niệm thế nào là “phần hoàn thiện” để “bắt” công trình có sai phép hay không cũng là vấn đề thường gây tranh cãi. Nhiều công trình sau khi kiểm tra hoàn công, đến phần hoàn thiện đã thay đổi vị trí phòng ốc, co giãn diện tích phòng trong diện tích xây dựng chung vẫn bị “tuýt còi” xây dựng sai phép. Ngoài ra thực tế cũng xuất hiện tình trạng chủ đầu tư “đi đêm” với cơ quan có chức năng kiểm tra hoàn công để được hoàn công sớm nhằm chạy giấy chủ quyền công trình, hợp thức hóa hoạt động kinh doanh hay “né” các nghĩa vụ tài chính, nhất là tại các thời điểm “chuyển giao” các quy định ...
Suy cho cùng, để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép thì “phần lỗi” đều thuộc về cả hai là chủ đầu tư và cơ quan cấp phép xây dựng. Chủ đầu tư sai do cố ý làm trái; cơ quan cấp phép sai do không thể ngăn chặn sai phạm của chủ đầu tư dù sai phạm đó là khả năng hoàn toàn có thể tiên lượng.
Vậy nên để hạn chế tình trạng xây dựng sai phép, cần có sự thống nhất trong cách hiểu thế nào là sai phép; giới hạn chế tài của giấy phép xây dựng đối với công trình đến đâu; đặc biệt thời điểm nào kiểm tra hoàn công công trình là vấn đề mà cơ quan có chức năng cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng phải hết sức cân nhắc.
(KTS LÊ CÔNG SĨ)
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO