Khi doanh nghiệp bất động sản khóc than

Cập nhật 14/05/2016 10:11

"Nếu BĐS cứ lãi đồng nào bị thu thuế ngay đồng đó, không cho bù sang các lĩnh vực mới thì bao giờ chúng ta mới có những doanh nghiệp đa ngành mạnh đi lên từ BĐS....", Chủ tịch GP Invest cho hay.


Theo quy định thuế hiện hành, doanh nghiệp được phép bù trừ thu nhập từ hoạt động kinh doanh với lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, việc bù trừ này mới chỉ được thực hiện một chiều. Nghĩa là doanh nghiệp chỉ được phép bù lỗ kinh doanh bất động sản với lãi của hoạt động kinh doanh sản xuất. Còn trong trường hợp, doanh nghiệp có lãi từ kinh doanh bất động sản thì phải xác định riêng để kê khai nộp thuế.

Theo ý kiến từ phía đại diện các doanh nghiệp BĐS, đây là quy định bất hợp lý và không còn phù hợp với tinh thần đổi mới khi xây dựng Luật Đầu tư 2014 đã quy định nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Một khảo sát của hãng tư vấn thuế E&Y cũng chỉ ra rằng, ở một số nước như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… luật thuế quy định được lợi nhuận và lỗ của các hoạt động kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản được bù trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tối ưu thuế. Và duy chỉ có ở Việt nam và Malaysia vẫn chưa cho phép bù trừ lợi nhuận/lỗ của các hoạt động kinh doanh với nhau. Lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản vẫn phải kê khai riêng cho dù doanh nghiệp có lỗ từ hoạt động kinh doanh.

Câu chuyện này một lần nữa được nhắc tới tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp cuối tháng 4 vừa qua. Tại đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) thẳng thắn cho rằng, nhà nước cần cho phép doanh nghiệp được bù trừ lỗ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác với lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản.

Nhiều DN ngành bất động sản gần đây đã liên tiếp bày tỏ bức xúc khi cho rằng những quy định nói đến việc bù/trừ thu nhập từ lĩnh vực BĐS đang bộc lộ sự đối xử bất công đối với các doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản.

Cụ thể, trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch HĐQT Công ty GP Invest thì BĐS đang là một trong những lĩnh vực đem lại lợi nhuận lớn nhưng để phát triển lâu dài, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư thêm các lĩnh vực mới. "Nhưng cứ lãi đồng nào bị thu thuế ngay đồng đó, không cho bù sang các lĩnh vực mới thì bao giờ chúng ta mới có những doanh nghiệp đa ngành mạnh đi lên từ BĐS", ông Hiệp nói.

"Luật quy định như vậy tức là chỉ nhìn nhận BĐS là một loại hình đặc thù nào đó mà không có cái chung. Tôi nghĩ BĐS cũng là một ngành nghề kinh doanh như bất kỳ một ngành nghề kinh doanh nào khác. Không nên có sự phân biệt, đối xử hay tách riêng lĩnh vực kinh doanh BĐS với các lĩnh vực khác", ông Hiệp khẳng định.

Một đại diện công ty BĐS hiện đang kinh doanh thêm ngành xây dựng khác tại Hà Nội cũng cho biết, năm 2015 mảng xây lắp lỗ 18 tỉ đồng, trong khi kinh doanh BĐS công ty lợi nhuận thu về 40 tỉ đồng. Nếu là các ngành nghề khác, công ty được chuyển lợi nhuận qua ngành vật liệu xây dựng 18 tỉ và chỉ đóng thuế thu nhập DN trên 22 tỉ đồng.

Nhưng theo quy định hiện hành, công ty phải đóng thuế TNDN cho tất cả khoản lợi nhuận của BĐS là 40 tỉ đồng mà không được bù trừ khoản lỗ 10 tỉ lỗ kinh doanh vật liệu xây dựng. Đây là một sự phân biệt, đối xử bất công và có cái nhìn kỳ thị đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Cùng quan điểm với các doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ rằng, bất động sản không phải là ngành kinh doanh “siêu lợi nhuận” như đồn đại.

"Thực tế, cả nước có khoảng 1.700 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản, nhưng hơn 70% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với vốn điều lệ dưới 50 tỷ đồng. Ngược lại, 70 - 80% vốn đầu tư kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp là vốn vay ngân hàng. Với quy định hiện nay, khi chuyển nhượng bất động sản có lãi, doanh nghiệp phải hạch toán riêng, dù hoạt động sản xuất kinh doanh khác đang thua lỗ. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp nộp thuế xong, số tiền còn lại cũng không đủ để trả ngân hàng", ông Đính cho biết.

Thực tế, câu chuyện “một ví tiền - hai kiểu đánh thuế” này đã gây thiệt thòi không nhỏ cho các doanh nghiệp BĐS, đặc biệt khi các doanh nghiệp này muốn đầu tư kinh doanh sang các lĩnh vực khác; hoặc cân đối tài chính giữa các mảng hoạt động.

Nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng, doanh nghiệp phải được chủ động với “cái ví” và kế hoạch tài chính của mình. Nếu chuyển nhượng BĐS là một hoạt động kinh doanh bình đẳng như các kinh doanh khác thì việc sử dụng đồng lãi từ BĐS để bù trừ lỗ cho hoạt động khác sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động với kế hoạch đầu tư, tối ưu hóa nguồn vốn để phát triển dài hạn.


DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ