Theo ông Hà Quang Hưng - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chủ đầu tư của 507 chung cư thương mại tại Hà Nội đang giữ lại 2% phí bảo trì chung cư, gây khó khăn cho việc bảo trì các tòa nhà.
Tình trạng chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì chung cư diễn ra phổ biến tại Hà Nội - Ảnh: Tư liệu
Chủ đầu tư cố tình chiếm dụng
Thông tin tại hội thảo về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư hôm 7-3 tại Hà Nội, vị này thừa nhận nhiều quy định pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư hiện nay đang bộc lộ lỗ hổng, cần được sửa đổi, bổ sung sau thời gian ban hành, áp dụng.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 3.000 nhà chung cư, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.
Đến hết tháng 2-2019, tại Hà Nội có 745 chung cư thương mại được đưa vào sử dụng, trong đó có 492/745 nhà chung cư tổ chức thành công hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị, 338/492 chung cư đã bàn giao diện tích sở hữu chung.
Đáng chú ý, chỉ có 238/492 nhà chung cư bàn giao 2% phí bảo trì cho ban quản trị các tòa nhà.
Hiện nay, chủ đầu tư của 507 tòa chung cư thương mại chưa bàn giao phí bảo trì cho người dân sau nhiều năm sử dụng.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 174 chung cư tái định cư đã đưa vào sử dụng, bầu được 82 ban quản trị, và mới có 49 chung cư bàn giao 2% phí bảo trì.
Theo quy định luật pháp hiện hành, đây là số tiền chủ đầu tư chỉ đứng ra thu hộ khi bán nhà, lập tài khoản ngân hàng gửi tiết kiệm, khi ban quản trị chung cư được thành lập sẽ phải bàn giao lại.
Tình trạng chủ đầu tư cố tình chiếm dụng phí bảo trì chung cư, theo Bộ Xây dựng, cũng là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp chung cư.
Nhiều vụ tranh chấp chung cư xuất phát từ việc chủ đầu tư cố tình chiếm dụng phí bảo trì - Ảnh: Tư liệu
Kiến nghị bỏ phí bảo trì
Trước tình trạng chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì của cư dân, ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng phòng quản lý nhà và công sở - Sở Xây dựng TP.HCM, đề xuất bỏ quy định đóng 2% phí bảo trì nhà chung cư.
Quy định người mua nhà phải nộp 2% phí bảo trì ngay khi mua như hiện nay có nhiều vấn đề phức tạp phát sinh.
"Chúng ta đưa ra quy định 2% phí bảo trì là vì muốn có sẵn tiền ở đó, khi phát sinh là có tiền sửa luôn. Nhưng nhà nước và chủ đầu tư đâu có lo mãi cho cư dân được! Phí bảo trì là nguồn quỹ có hạn sử dụng, thông thường chỉ 5-10 năm. Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu", ông Hải nêu vấn đề.
Ông Hải cho rằng nếu phát sinh vấn đề cần phải có chi phí thì cư dân nộp tiền, hoặc trích trong kinh phí quản lý vận hành chung cư sẽ dễ dàng hơn.
Trường hợp chưa thể bỏ được quỹ bào trì chung cư, theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, trước mắt những tranh chấp liên quan đến khoản phí này nên quy thành những vấn đề dân sự, cư dân có quyền kiện ra tòa nếu bị chiếm dụng.
Đối với tình trạng chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì, theo ông Hải, chính quyền địa phương có quyền cưỡng chế doanh nghiệp để đòi tiền cho cư dân.
Không chỉ chủ đầu tư, thời gian qua nhiều ban quản trị chung cư cũng chính là thủ phạm chiếm dụng quỹ bảo trì.
Cụ thể, tại dự án chung cư Việt Hưng (TP.Hà Nội), sau khi Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị bàn giao quỹ bảo trì, trưởng ban quản trị đã tiêu hơn 1 tỉ đồng phí bảo trì nhưng không có giấy tờ, chứng từ. Hiện nay người này đã bán nhà và chuyển đi nơi khác sinh sống.
TP.HCM có 105 chung cư tranh chấp nhưng vẫn ít hơn tại Hà Nội - Ảnh: Tư liệu
Tranh chấp tại TP.HCM ít hơn Hà Nội
Số liệu của Bộ Xây dựng ghi nhận TP.HCM hiện có hơn 1.350 tòa nhà chung cư, với hơn 141.062 căn hộ, trong đó có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp.
Ông Hà Quang Hưng cho biết thêm số vụ tranh chấp chung cư tại TP.HCM ít hơn tại Hà Nội.
Nguyên nhân tình trạng tranh chấp nhà chung cư chủ yếu liên quan tới các vấn đề diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng tại chung cư; tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì; kinh phí quản lý, vận hành; chất lượng công trình, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, người mua nhà không xem kỹ hợp đồng mua nhà...
Một số chuyên gia lại cho rằng tình trạng tranh chấp chung cư là do một số quy định về cách tính diện tích căn hộ, hộp kỹ thuật, diện tích chung - riêng… trong các văn bản pháp luật chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng.
Đồng thời vai trò của cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương mờ nhạt.
Rà soát lại
Sẽ rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư và chủ sở hữu chung cư, qua đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về phần diện tích thuộc sở hữu chung, riêng, quy định về xử lý tình trạng chiếm dụng 2% phí bảo trì chung cư. (Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh)
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ