Khánh thành cầu Thuận Phước: Đô thị Đà Nẵng rộng thêm gần 50 km2

Cập nhật 25/03/2009 08:45

Hơn 4.700 ha đất của bán đảo Sơn Trà với những tiềm năng lớn sẽ được khai thác hiệu quả.

Sáng nay (25-3), TP Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành cây cầu dây võng lớn nhất Việt Nam bắc qua cửa biển Đà Nẵng. Những công việc cuối cùng vẫn đang gấp rút hoàn thành để kịp đưa vào sử dụng trong tháng 6-2009.

Vượt 60% vốn so với dự toán

Cuối năm 2002, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt các phương án kỹ thuật cho các hạng mục của dự án. Cầu Thuận Phước khởi công xây dựng vào ngày 17-1-2003, dự kiến đưa vào sử dựng ngày 29-3-2005 nhưng kế hoạch đó không thành. Có những thời điểm nhiều người cho rằng cầu Thuận Phước sẽ không thể thi công được nữa, bởi lý do trục trặc kỹ thuật mà nguyên nhân là công tác khảo sát địa chất quá kém lẫn bế tắc trong giải pháp thi công. Ban đầu vốn dự toán được lập là hơn 587 tỷ đồng, sau nhiều lần điều chỉnh đã lên 960 tỷ đồng.

Việc thi công cầu Thuận Phước gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Địa chất địa tầng của khu vực xây cầu vô cùng phức tạp. Khi xây dựng tháp trụ và giếng chìm, mố neo đã đụng phải lớp sét và đá ngoài dự kiến. Cọc khoan nhồi của móng trụ tháp có đường kính đến 2,5 m, sâu trung bình từ 37,6 m đến 70 m. Trong đó khoan vào đá ngầm xấp xỉ 5 m. Các đơn vị thi công phải thuê thợ lặn giỏi để thực hiện công việc dưới nước, có ngày chỉ khoan xuống khoảng... vài phân. Bên cạnh đó, cửa sông Hàn là nơi đầu sóng ngọn gió, chịu ảnh hưởng lớn của triều cường và gió mùa nên đã gây trở ngại không nhỏ đến tổ chức thi công...

Tăng quỹ đất đô thị

Ông Nguyễn Văn Tám ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) hồ hởi: “Tôi già rồi, cứ sợ không có dịp đi trên chiếc cầu này. Thế mà giờ đây tất cả khó khăn đã vượt qua, dân hai bờ sung sướng được rút ngắn thời gian đi lại. Chấm dứt nhiều đời bị ngăn cách.”

TP Đà Nẵng trước đây bị cắt chia hai nửa bởi dòng sông Hàn. Khi chưa có cầu quay sông Hàn, người Đà Nẵng hai bên bờ qua lại phải đi phà hoặc chạy vòng cầu Trần Thị Lý cả mấy chục cây số. Sự chênh lệch về mức độ phát triển của bán đảo Sơn Trà so với nội thị Đà Nẵng tồn tại suốt nhiều thế kỷ. Sơn Trà trước giải phóng gọi là quận Ba, quận Hải Châu là quận Nhất. Ngày ấy người Đà Nẵng có câu: “Con gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất”. Bên này là phố phường dịch vụ, bên kia sông lam lũ những cồn cát và núi.



Cầu Thuận Phước. Ảnh: Hữu Khá.


Sau khi có hai tuyến đường ven biển là Nguyến Tất Thành và Sơn Trà-Điện Ngọc, ý tưởng làm thêm một cây cầu vượt cửa sông đã hình thành. Chiếc cầu là gạch nối liên hoàn tuyến giao thông ven biển Đà Nẵng nhằm tăng khả năng khai thác bán đảo Sơn Trà, đưa kinh tế khu vực này phát triển. Cầu tuyến đường du lịch từ đèo Hải Vân băng qua cảng Tiên Sa, chạy dọc theo tuyến đường Sơn Trà-Điện Ngọc tới TP Hội An.

Cầu Thuận Phước như cánh tay thành phố vươn sang hơn 4.700 ha của bán đảo Sơn Trà, mở rộng quỹ đất đô thị của Đà Nẵng. Nhiều dự án lớn quanh cây cầu này như khu đô thị lấn biển Đa Phước - khu giải trí biển lớn nhất Việt Nam - cũng sẽ được nhiều nhà đầu tư biết đến khi cây cầu này chính thức hoàn thành.

Cầu Thuận Phước được thiết kế với quy mô khẩu độ lớn, hiện đại, mang tính thẩm mỹ cao. Cầu có chiều dài 1.850 m, rộng 18 m, bốn làn xe, hai trụ tháp chính cao 80 m, tĩnh không thông thuyền 27 m, kết cấu với dầm hộp thép hợp kim suốt toàn bộ nhịp treo dài 650 m, chế tạo bằng công nghệ dầm tăng cứng theo tiêu chuẩn quốc tế. Cầu Thuận Phước dài hơn cầu Mỹ Thuận 300 m. Cầu bắc qua sông Hàn, nối liền quận Hải Châu với bán đảo Sơn Trà do Cục Cầu lớn Vũ Hán (Trung Quốc) thiết kế, là cầu treo dài nhất Việt Nam.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP