Khan hiếm nhất thời

Cập nhật 27/10/2009 15:30

Các nhà kinh doanh bán lẻ đang gặp khó khi tìm kiếm mặt bằng, nhưng nguồn cung mặt bằng bán lẻ sẽ tăng vào năm 2010 và bùng nổ năm 2011.

Theo các số liệu thống kê, doanh thu của các hệ thống siêu thị liên tục tăng trong mười năm qua, với mức tăng 15 - 65%/năm. Năm 2008, Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Cơ hội là thế, nhưng chuyện làm đau đầu các nhà kinh doanh trong việc mở siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại hiện nay là còn thiếu “địa lợi”.
 

Tình trạng khan hiếm mặt bằng kinh doanh ở khu vực trung tâm thành phố có thể chấm dứt vào năm 2010 khi có thêm trên 700.000m2 mặt bằng được đưa vào kinh doanh.Ảnh: Lê Quang Nhật


Có cầu không có cung


Theo công ty Savills Việt Nam, hiện TP.HCM có năm trung tâm bách hoá, 15 trung tâm mua sắm và sáu trung tâm bán lẻ, 62 siêu thị, với diện tích gần 453.000m2. Nguồn cung này vẫn còn nhỏ so với nhu cầu của thị trường hơn tám triệu dân.

Nhiều hệ thống siêu thị hiện nay đã rơi vào tình trạng quá tải. Có hiện tượng khách bỏ đi mua sắm ở những kênh khác vào các giờ cao điểm. Các chủ siêu thị đều thấy tình trạng này nhưng đành bỏ lỡ cơ hội bán hàng do thiếu mặt bằng để mở rộng kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống Citimart nói: “Ở Sài Gòn hiện nay, nhất là khu vực trung tâm thành phố, khó mà tìm được mặt bằng rộng, chưa tính đến vị trí đẹp, hay giá cả phù hợp để mở siêu thị”.

Bà Nguyễn Thùy Trang, giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Daiso nêu thực tế: “Tìm mặt bằng cỡ 500m2 trở lên đã là chuyện khó, mặt bằng trên 1.000m2 là rất hiếm. Còn nếu mở siêu thị diện tích chỉ 100 - 200m2 thì không thể trưng bày được nhiều hàng, khó cạnh tranh, khó tăng doanh thu”. Bà Trang cho biết, vì không kiếm ra mặt bằng, kế hoạch mở thêm cả chục cửa hàng của hệ thống Daiso cả năm qua vẫn chưa tiến hành được. Có doanh nghiệp, khi xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi cửa hàng đã đưa ra các tiêu chí như diện tích phải từ 100 - 500m2, không có hai cửa hàng trong bán kính 500m. Nhưng khi đầu tư, họ cũng đành chấp nhận những địa điểm không đúng với tiêu chí ban đầu.

Giật gấu vá vai

Đến năm 2010, kênh bán lẻ hiện đại (bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích…) sẽ chiếm 25% và đến năm 2020 sẽ chiếm 60% tổng doanh thu bán lẻ. Lộ trình từ nay đến năm 2015 là giảm chợ tại trung tâm, nâng mạng lưới siêu thị lên 95 địa điểm và trung tâm thương mại lên 140 địa điểm. Các chợ cũng sẽ được cải tạo và nâng cấp. Đến năm 2010 sẽ nâng cấp 64 chợ, giải toả, di dời 10 chợ. Và đến năm 2015 sẽ nâng cấp thêm 31 chợ, giải toả di dời 20 chợ, chuyển đổi một số chợ thành trung tâm thương mại, siêu thị…

(Theo đề án phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP.HCM đến 2015, tầm nhìn 2020 của UBND thành phố)

Nhà đầu tư còn phải chấp nhận giá thuê mặt bằng cao, trước tình trạng thiếu mặt bằng như kể trên. Và họ luôn trong tình trạng phải giải bài toán khó về giá thành kinh doanh.

Theo một số nhà kinh doanh siêu thị, hầu hết các siêu thị đang bán hàng ở khu vực quận 1, quận 3 đã thuê mặt bằng từ nhiều năm trước, với giá ban đầu khoảng 5 - 8 USD/m2, nhưng liên tục bị điều chỉnh tăng, lên đến 15 - 25 USD/m2. Mức giá này, nhà kinh doanh siêu thị vẫn có lãi với điều kiện phải có tốc độ bán hàng nhanh, lượng khách đông.

Còn với các mặt bằng mới đưa vào kinh doanh, giá cho thuê ở các khu trung tâm đã ở mức từ 50 - 105 USD/m2. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống Citimart nói: “Giá cho thuê mặt bằng ở khu vực trung tâm thành phố hiện nay bình quân khoảng 40 USD/m2 là giá có ưu đãi dành riêng cho nhà kinh doanh siêu thị, nhưng vẫn khó mà kinh doanh có lãi”.

Theo giám đốc một hệ thống cửa hàng tiện ích, nếu mở cửa hàng trong khu dân cư, diện tích khoảng 100 - 120m2, thì doanh thu hàng ngày phải từ 1 triệu đồng trở lên mới có thể bù được chi phí. Với người bán tạp hoá, doanh thu 1 triệu đồng/ngày cho các loại dầu gội, mì gói, sữa, nước ngọt… đã không dễ đạt được. Với cửa hàng tiện ích, lại càng khó hơn vì chi phí đầu tư luôn cao hơn tiệm tạp hoá.

Trước áp lực trên, nhà bán lẻ phải tìm cách kiếm thêm hoa hồng từ nhà cung cấp bằng cách mở càng nhiều điểm kinh doanh để đặt hàng số lượng nhiều. Và càng mở nhiều điểm kinh doanh, cầu mặt bằng càng tăng thêm.

Chờ đến năm 2010

Theo thống kê, tổng diện tích mặt bằng bán lẻ của TP.HCM và Hà Nội đến nay khoảng 400.000m2, trong đó TP.HCM chiếm hơn 230.000m2. Theo công ty TNHH CB Richard Ellis (Việt Nam), dự kiến, trong quý 4, TP.HCM sẽ có nhiều trung tâm thương mại lớn được khánh thành như Kumho Asiana Plaza, The Flemington và The Everich (Parkson) cung cấp cho thị trường thêm 56.338 m2 mặt bằng.

Dự kiến, năm 2011 sẽ bùng nổ về nguồn cung mặt bằng cho thị trường bán lẻ với khoảng 730.000m2 mới được đưa vào khai thác. Năm 2012 sẽ có thêm khoảng 300.000m2 nữa.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị