Khan hiếm căn hộ diện tích nhỏ

Cập nhật 10/09/2007 13:00

Hiện nay thị trường căn hộ cao cấp bùng nổ, vì siêu lợi nhuận nên thu hút các chủ đầu tư ào ạt  “nay công bố dự án này, mai công bố dự án khác”, hết sức sôi động. Tuy nhiên, giá mỗi căn hộ lên đến bạc tỷ đã làm “hoa mắt” thị dân nghèo. Thế là, nhu cầu nhà ở thu nhập thấp, trung bình ngày càng lớn nhưng những dự án dành cho họ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Căn hộ nhỏ hút hàng


Khi căn hộ cao cấp bành trướng đã làm quên đi những dự án căn hộ có diện tích trung bình, giá bán vài trăm triệu đồng và cũng quên đi một thực tế hết sức quan trọng: căn hộ có giá vừa phải đều bán hết trong thời gian ngắn. Điển hình, chung cư Gia Phú ở quận Tân Phú do Công ty Khang Gia đầu tư xây dựng, chỉ trong hai tháng kể từ khi rao bán, toàn bộ 389 căn hộ với diện tích từ 61,6 - 65m2, giá bán từ 5,1 - 5,3 triệu được khách hàng đặt mua. Chung cư Conic Garden khu Nam Sài Gòn gồm 381 căn hộ có diện tích từ 50 - 80m2, giá bán căn hộ 55m2 khoảng 350 triệu đồng cũng được mua hết chỉ trong vài tháng.

Đặc biệt, chung cư An Hòa ở quận 7 do Công ty Nam Long đầu tư xây dựng với các căn hộ có diện tích từ 45 - 70m2, giá bán 6 - 6,5 triệu đồng/m2 đã bán 80% căn hộ ngay trong ngày công bố. Dự án Bình Phú tại quận 6 gồm các căn hộ có diện tích từ 47 - 112m2, trong đó những căn có diện tích nhỏ với giá bán hơn 500 triệu đồng/căn đã được đặt mua trong những ngày đầu chào bán. Theo giới đầu tư, căn hộ có diện tích nhỏ hút hàng là do giá bán phù hợp khả năng của nhiều người, và do số lượng cung cấp trên thị trường không nhiều.

Việc đầu tư căn hộ diện tích nhỏ đã giải quyết phần nào cho nhu cầu an cư của người thu nhập trung bình. Tuy nhiên, với diện tích căn hộ khá lớn, dẫn đến giá bán khoảng 500 triệu đồng/căn, không phải người trung bình nào cũng có thể sở hữu căn hộ. Vì hầu hết chủ đầu tư đều yêu cầu người mua phải trả 100% khi nhận căn hộ hoặc 30% - 50% trong suốt thời gian xây dựng dự án, phần còn lại trả góp từ 5 - 20 năm. Đối với những người có thu nhập trung bình từ 3 - 5 triệu/tháng, sau khi trừ mọi chi phí sinh hoạt, số tiền tiết kiệm còn lại chẳng đáng bao nhiêu. Như vậy, sẽ không biết bao lâu họ mới đủ tiền để trả trước 30 - 50% giá trị căn hộ, sau đó lại phải trả góp từ 4 - 8 triệu đồng/tháng cho tiền lãi và vốn vay?

Phân khúc thị trường bị bỏ quên

Trên thực tế có khá nhiều doanh nghiệp tâm huyết với phân khúc thị trường căn hộ giá rẻ, trong đó có căn hộ diện tích nhỏ. Đây là phân khúc rất tiềm năng nhưng đã bị quên lãng. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành phân tích, trong xã hội hiện nay còn rất nhiều người có nhu cầu ở căn hộ diện tích nhỏ nhưng chưa được quan tâm tới như người độc thân, thanh niên khởi nghiệp, người mới lập gia đình…

Xuất phát từ nhu cầu này, trong kế hoạch phát triển Công ty Đất Lành sẽ thiết kế những căn hộ dành cho hai người ở. Căn hộ có diện tích từ 30 - 50m2, một phòng ngủ, phòng khách kết hợp bếp ăn, một phòng vệ sinh, giá bán khoảng 7,5 triệu đồng/m2. Với giá bán từ 250 - 400 triệu đồng/căn hộ, người mua có thể tích góp trả trước 50%, sau đó mỗi tháng trả góp từ 1 - 3 triệu đồng trong 10 - 15 năm.

Kiến trúc sư Hoàng Như Hải, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Kinh doanh Địa ốc Sài Gòn khẳng định: “Nên cho phép diện tích nhỏ nhất là 30m2/căn hộ. Với diện tích này, kiến trúc sư có thể thiết kế đủ chức năng ăn, ngủ, sinh hoạt cho căn hộ”. Theo ông Trịnh Minh Thanh, Giám đốc Công ty Khang Gia, bên cạnh những chính sách kêu gọi xây dựng nhà ở xã hội, nhà nước cần có chế độ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để phát triển thị trường căn hộ hai người. Thay vì đầu tư 1.000 căn hộ dành cho 4 người, chủ đầu tư có thể xây dựng 1.000 căn hộ dành cho một hoặc hai người, 500 căn dành cho 4 người. Như vậy sẽ tăng thêm 500 căn hộ cho 500 gia đình nhưng vẫn đảm bảo quy mô dân số.

Rõ ràng, sự xuất hiện những căn hộ diện tích nhỏ sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho thị dân nghèo rất lớn, nhưng các doanh nghiệp không thể “áo mặc qua khỏi đầu”. Bởi lẽ, Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1-7-2006 đã quy định: căn hộ để kinh doanh có diện tích không nhỏ hơn 45m2!? Phải chăng, đã đến lúc cần chỉnh lại luật cho phù hợp với sự phát triển của xã hội?

Theo Thái Đăng - Sài Gòn Giải Phóng