Hàng chục công văn, quyết định qua lại giữa UBND thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, UBND quận Ba Đình, UBND phường Giảng Võ…trong vòng 6 năm qua để triển khai dự án xây lại nhà chung cư nguy hiểm B6 Giảng Võ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Đặc biệt là nhà B6 Giảng Võ đã được các cơ quan chức năng xác định là “tối nguy hiểm” cần “thực hiện ngay việc di dời các hộ gia đình”… nhưng hiện vẫn đang nhùng nhằng chưa di chuyển được. Sự việc này khiến các cơ quan chức năng đau đầu còn người dân phấp phỏng sống trong sự sợ hãi chết người.
“Lắm mối, tối nằm không”
Ngay từ ngày 6/11/2003, Sở Địa chính Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất) đã có Tờ trình số 6092/TTr-ĐCNĐ-KH lên UBND TP Hà Nội xin chủ trương đầu tư lập dự án phá dỡ xây dựng lại nhà hư hỏng khu nhà ở căn hộ cao tầng và quy hoạch chỉnh trang nâng cấp đồng bộ các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật toàn khu tập thể Giảng Võ.
Hơn nửa năm sau, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất tiếp tục có Tờ trình số 3770/TTr-TN,MT&NĐ-TN&ĐT, ngày 18/6/2004 lên UBND TP Hà Nội về việc lập dự án phá dỡ nhà B6 tập thể Giảng Võ hư hỏng, xuống cấp xây dựng mới thành nhà ở căn hộ cao tầng. Theo Tờ trình này, nhà B6 tập thể Giảng Võ là nhà ghép tấm lớn 5 tầng được xây dựng từ năm 1980 có 3 đơn nguyên do Công ty Kinh doanh nhà số 1 quản lý ký hợp đồng cho các hộ dân thuê để ở.
Trong Tờ trình có dẫn ra văn bản số 500/CV-GĐCL-SXD ngày 11/5/2004 của Sở Xây dựng Hà Nội về việc phê duyệt báo cáo kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng của nhà B6. Đó là, qua thời gian sử dụng, ngôi nhà bị xuống cấp hư hỏng nặng, công trình đã bị lún, lún không đều gây nghiêng và xoắn công trình, hiện công trình vẫn đang tiếp tục lún. Tại một số vị trí (tầng 5 và mái), mối nối lắp ghép bị xe nứt rộng làm hở thép và gây ăn mòn cốt thép, mối nối không còn khả năng chịu lực; Đặc biệt tình hình địa chất khu vực này rất phức tạp có khả năng ảnh hưởng đến độ ổn định của nhà và an toàn sử dụng…
Trong khi chờ quy hoạch cải tạo chỉnh trang từng khu nhà chung cư cũ được lập trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo Đề án cải tạo sửa chữa nhà nguy hiểm trên địa bàn thành phố; Để đảm bảo an toàn sử dụng của các hộ dân nhà B6 tập thể Giảng Võ (đây là công trình nhà ở độc lập trong khu các công trình hạ tầng xã hội, công sở); Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất đề nghị UBND TP Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Hà Nội (nay là Công ty CP Hà Nội ICT) làm chủ đầu tư để thực hiện dự án dỡ bỏ nhà B6, xây dựng lại thành nhà ở cao tầng.
Với đề xuất trên, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận giới thiệu Công ty CP Hà Nội ICT đến quận Ba Đình, UBND phường Giảng Võ, tiếp xúc với các hộ dân để nghiên cứu, điều tra, lên phương án triển khai xây dựng nhà B6.
Theo ông Nguyễn Hữu Đính - Tổng giám đốc Công ty CP Hà Nội ICT: doanh nghiệp đã xúc tiến mọi việc rất nhanh với tổng cộng 23 cuộc tiếp xúc với người dân, làm điều tra cơ bản; hoàn tất được phương án thiết kế sơ bộ nhà B6 và được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận (công văn số 22/QHKT-P2, ngày 9/1/2006); Sở Xây dựng cũng đã thẩm định thiết kế cơ sở Dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư cao tầng B6 Giảng Võ (công văn số 1026/TĐ-SXD, ngày 21/7/2006)… Nhưng đến giai đoạn cuối của quá trình trên, ICT đã bị “chọc gậy bánh xe” khi có một loạt công ty khác “nhảy” vào dự án nhà B6. Tình hình căng thẳng đến mức, khi ICT tổ chức họp lấy ý kiến người dân, “phe đối địch” đứng ra ngăn cản không cho vào họp!?
Điều đáng nói ở đây là các công ty mới “nhảy vào” khi chưa được sự chấp thuận của chính quyền, chưa được bất cứ cơ quan, sở, ngành nào đề xuất, giới thiệu như: Công ty Gia Bảo, Công ty Mefrimex và gần đây nhất là Công ty TNHHNN 1 TV Đầu tư Xây lắp và Thương mại 36 (Công ty 36). Công ty 36 đã tự động họp dân đưa ra Dự thảo phương án cải tạo xây dựng nhà chung cư B6 Giảng Võ với một loạt cơ chế chính sách dành cho các hộ gia đình mà không dựa theo “khung” cải tạo chung và chưa được cơ quan có thẩm quyền nào phê duyệt; tự tuyên bố tầng cao, kiến trúc tòa nhà (khi chưa có thỏa thuận quy hoạch kiến trúc với Sở Quy hoạch Kiến trúc).
Vậy việc làm trên của Công ty 36 có hợp pháp không? Những quyền lợi công ty đưa ra với các hộ dân có đáng tin cậy không và năng lực công ty này đã ai kiểm chứng? Trả lời vấn đề này với PV Báo giới, ông Bùi Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết: Công ty 36 tự họp dân thiếu sự kiểm soát của chính quyền là chưa đúng. Nếu xảy ra bất trắc, nhà đầu tư không thực hiện đúng hợp đồng, ai sẽ là người đứng ra đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các hộ dân? Nhân dân có quyền lựa chọn chủ đầu tư, nhưng phải có các cơ quan trách nhiệm đứng ra thẩm định năng lực.
Việc xây dựng lại nhà B6 không hạn chế các nhà đầu tư tham gia, nhưng phải trên cơ sở chọn được doanh nghiệp có năng lực, đáp ứng được điều kiện thành phố đang cần, không làm trái với cơ chế chính sách Nhà nước và được nhân dân đồng tình.
Tuy dự án phá dỡ, xây dựng lại nhà B6 đến nay có đến vài ba đơn vị “muốn” là chủ đầu tư, nhưng đến nay thành phố vẫn chưa có quyết định chính thức và vì thế câu chuyện chủ đầu tư ở đây vẫn rất “rối”, theo kiểu “lắm mối, tối nằm không”.
Nhà nguy hiểm… chậm di dời
Thực tế, mối lo nhà B6 có thể sụp đổ bất cứ lúc nào và nếu không di dời các hộ dân, tai họa chết người hoàn toàn có thể diễn ra… đã kéo dài suốt thời gian qua. Tình hình trên càng “nước sôi, lửa bỏng” khi vào tháng 11/2006, ông Trần Chủng - Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng ký văn bản số 527/GD-GĐ1 gửi Sở TNMT&NĐ Hà Nội đã thông báo kết luận của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, “mức độ nguy hiểm của cả nhà B6 được đánh giá cấp D: khả năng chịu lực không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể”. Việc di dời các hộ dân ở đây được đặt ra là cấp thiết.
Chính vì vậy mà trong công văn số 1983/VP-XDDT ngày 5/10/2007 của Văn phòng UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Ba Đình: “Lập kế hoạch và hoàn tất các thủ tục chuẩn bị để thực hiện xong việc di dời các hộ dân ra khỏi nhà nguy hiểm B6 Giảng Võ trong tháng 10/2007 theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo UBND TP trước ngày 15/10/2007”.
Ngày 18/10/2007, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã khẳng định trước HĐND TP tại phiên chất vấn giữa kỳ (được một số cơ quan báo chí dẫn lời) là: “Còn nhiều ý kiến khác nhau phải bàn bạc, nhưng với nhà nguy hiểm như B6 Giảng Võ thì không thể bàn bạc được, giống như cứu hộ cứu nạn, phải di dời theo luật, nếu không sẽ ảnh hưởng tính mạng người dân”… nhưng từ đó đến nay đã gần nửa năm mọi việc vẫn chưa thực hiện được.
Trong khi đó, Liên ngành: BCĐ GPMB Sở Tài chính, TN-MT&NĐ, UBND Quận Ba Đình đã trình thành phố chính sách hỗ trợ di chuyển khẩn cấp, bố trí nhà tạm cư cho các hộ gia đình (về ở chung cư cao tầng ở lô 9B khu đô thị mới Đại Kim – Định Công) khi phải di chuyển ra khỏi nhà nguy hiểm B6 Giảng Võ.
Gần đây nhất, ngày 14/1/2008, trong công văn số 86/VP-ĐCNN của Văn phòng UBND TP Hà Nội đã thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi giao cho UBND quận Ba Đình phối hợp với BCĐ GPMB TP tổ chức công bố công khai với các hộ dân về đề nghị nêu trên của Liên ngành; giải thích thắc mắc (nếu có) của các hộ dân; tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND TP.
Trả lời câu hỏi vì sao nhà nguy hiểm B6 Giảng Võ cần khẩn cấp di dời nay lại chậm di dời, ông Bùi Văn Thông cho biết: Việc di dời, xây dựng lại nhà chung cư nguy hiểm xuống cấp là một lộ trình khó nhưng nếu không xử lý dứt điểm tính mạng của người dân sẽ không được coi trọng. Giải pháp đẩy nhanh tiến trình ở đây là thành phố phân cấp, giao toàn quyền cho UBND quận Ba Đình chịu trách nhiệm thực hiện việc di dời và triển khai dự án.
Dựa trên quy hoạch của thành phố, nhà đầu tư thỏa mãn các điều kiện, quận sẽ triển khai mọi cơ chế chính sách, thỏa hiệp với các hộ dân…. Ông Thông tâm huyết với cách làm theo kiểu “vết dầu loang”, đó là sau khi thông báo các cơ chế chính sách đến các hộ dân, với những hộ chấp thuận di dời, Hội đồng GPMB sẽ rào lại nhà, cắt điện, cắt nước ngay. Đây sẽ là áp lực dây chuyền khiến những hộ nào còn “níu kéo”, chưa muốn đi vì lợi ích riêng (ví như các hộ tầng 1), cũng buộc họ phải di dời…
Theo kế hoạch, vào ngày 5/4 tới, UBND quận Ba Đình sẽ có báo cáo UBND thành phố về việc công khai, phổ biến các chính sách di dời đến các hộ dân. Hy vọng, thành phố sẽ sớm có quyết sách để việc di chuyển các hộ dân ra khỏi nhà nguy hiểm được khả thi, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và sau đó là lựa chọn chủ đầu tư, triển khai nhanh dự án để người dân sớm được tái định cư về khu nhà mới.