“Khai tử” ga trung tâm Hòa Hưng?

Cập nhật 03/06/2008 15:00

Thủ tướng đã chấp thuận đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới giao thông đường sắt theo đề xuất của TPHCM. Theo đó, ga Sài Gòn (còn gọi là ga Hòa Hưng) sẽ được dời về Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và ga Thủ Thiêm sẽ dời ra Suối Tiên. Điều này có hợp lý?

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 mới được Thủ tướng phê duyệt hồi đầu năm 2007 thì nay đã phải điều chỉnh, bổ sung, cho dù vẫn còn có sự bất đồng quan điểm giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và chính quyền TPHCM trong việc quy hoạch giao thông đường sắt.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, cùng với ga đường sắt cao tốc Thủ Thiêm (tương lai), ga Hòa Hưng là ga đường sắt quốc gia quan trọng của khu vực. Vì vậy, tuyến đường sắt xuyên tâm: Bình Triệu - Hòa Hưng - đường Ba Tháng Hai - quận 6 - Tân Kiên (Long An) đã được thể hiện trong đồ án quy hoạch này. Thế nhưng, ngay sau khi đồ án quy hoạch có hiệu lực thì TPHCM “phát hiện” sự bất cập dù trước đó TPHCM và Bộ GTVT đã thống nhất trình Chính phủ.

Chính quyền TPHCM cho rằng, tuyến đường sắt quốc gia hiện nay đi sâu vào trung tâm thành phố (ga Hòa Hưng), giao cắt đồng mức với 14 tuyến đường nội đô, là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông đô thị. Hơn nữa, để xây dựng tuyến đường xuyên tâm như quy hoạch thì sẽ phải giải tỏa hàng ngàn hộ dân trên trục đường Ba Tháng Hai. Đây là thách thức lớn đối với chính quyền thành phố.

Do đó, TPHCM đã kiến nghị điều chỉnh quy hoạch giao thông đường sắt, theo hướng: (1) Bỏ toàn bộ tuyến đường sắt Bình Triệu - Hòa Hưng - đường Ba Tháng Hai - quận 6; (2) Dời ga Hòa Hưng và ga Bình Triệu về ga Dĩ An; (3) Sử dụng tuyến đường sắt cũ để xây dựng monorail, tăng cường năng lực giao thông nội thị.

Với quan điểm hạn chế tuyến đường sắt đi sâu trong nội thành, chính quyền TPHCM cũng đề xuất điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia kết thúc tại ga ngoại vi thành phố, không quy hoạch xây dựng mới ga Thủ Thiêm và điều chỉnh ga Thủ Thiêm về ga Suối Tiên - nơi có tuyến metro vào trung tâm thành phố và bến xe miền Đông (mới) đi các tỉnh.

Tuy nhiên, những đề xuất của TPHCM đã không nhận được sự đồng thuận của Bộ GTVT. Bộ này cho rằng, vị trí ga cuối cùng của tuyến đường sắt cao tốc bắc nam phải là ga Thủ Thiêm, vì Thủ Thiêm là trung tâm đô thị mới, có hạ tầng kỹ thuật tốt, dân cư tập trung với mật độ cao. Nhà ga đường sắt cao tốc tại đây sẽ thỏa mãn các tiêu chí của một ga trung tâm hơn là Suối Tiên.

Với ga Hòa Hưng, theo Bộ GTVT, đây là ga trung tâm đường sắt liên tỉnh và đường sắt nội - ngoại ô, nếu di dời sẽ gặp nhiều khó khăn vì vị trí ga mới không đáp ứng các tiêu chí cơ bản của ga trung tâm đô thị. Hơn nữa, vị trí ga mới ở Dĩ An chưa được xác định trong quy hoạch giao thông vận tải, và việc di dời đòi hỏi chi phí lớn.

Thật ra, các ga Hòa Hưng, Thủ Thiêm nằm trong quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được phê duyệt trước đây đều có cơ sở để đảm bảo kết nối giữa các loại hình đường sắt. Theo đó, ga Hòa Hưng là ga chính kết nối các vùng nội - ngoại ô bằng bốn tuyến đường sắt Hòa Hưng - Biên Hòa - Xuân Lộc; Hòa Hưng - Phú Mỹ; Hòa Hưng - Chơn Thành; Hòa Hưng - Mỹ Tho.

Một cán bộ của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho rằng, nếu di dời ga Hòa Hưng và Bình Triệu ra Dĩ An chỉ để giải quyết nạn ách tắc giao thông thì cần phải xem xét một cách thấu đáo, khách quan và khoa học hơn. Tại sao chúng ta không xây đường sắt trên cao hoặc chui xuống đất để giải quyết vấn đề giao cắt “đồng mức”? Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan... đều giải quyết vấn đề như thế, cán bộ này đặt vấn đề.

Một số chuyên gia về quy hoạch giao thông cho rằng, TPHCM có ga đường sắt trong nội đô như ga Hòa Hưng là điều may mắn. Vì đầu mối giao thông phải nằm ở nơi tập trung dân cư là điều hiển nhiên - để tránh tình trạng trung chuyển nhiều chặng gây lãng phí. Nếu dời ga ra Dĩ An, hàng ngàn người từ nội thành sẽ phải sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau để đến ga (vì tuyến monorail dự kiến không thể đáp ứng được yêu cầu) càng làm mật độ xe đi lại trên đường nhiều hơn, dễ dẫn đến kẹt xe hơn. Khi đó chi phí xã hội sẽ tăng lên nhiều lần.

Dù còn nhiều vướng mắc như vậy, song việc di dời ga Hòa Hưng, Bình Triệu, Thủ Thiêm có thể vẫn sẽ diễn ra vì Thủ tướng đã bật đèn xanh cho TPHCM điều chỉnh quy hoạch. Nếu điều ấy diễn ra thì một câu hỏi đặt ra: Hàng chục ngàn mét vuông “đất vàng” tại các ga này sẽ được sử dụng vào mục đích gì?

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, tại buổi làm việc với Sở Giao thông Công chính TPHCM, hôm 20-2-2008, lưu ý: “Trường hợp phải di dời ga Hòa Hưng và ga Bình Triệu về Dĩ An thì mặt bằng các ga đường sắt hiện hữu không nên chuyển đổi công năng mà nên sử dụng cho các tuyến đường sắt nội đô”.

“Đối với quy hoạch giao thông đường sắt: đồng ý việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông đường sắt như đề nghị của thành phố. Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ và UBND TPHCM khẩn trương nghiên cứu, xem xét việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. (Trích Thông báo 110/BT-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 29-4-2008 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM).


Theo
TBKTSG