Khách sạn hạng sang trong vòng xoáy đổi chủ

Cập nhật 12/05/2014 11:24

Phát triển khách sạn, các khách sạn mới hơn, những khoản đầu tư sau luôn tìm được lợi nhuận cao hơn. Điều đó lý giải vì sao nhiều trường hợp rút vốn khỏi khách sạn cũ nhưng cũng có rất nhiều khoản tiền khổng lồ tiếp tục đổ vào những dự án khách sạn cao cấp mới.

Hoạt động từ năm 1994, còn khoảng 20 năm nữa khách sạn New World mới hết thời hạn hoạt động theo giấy phép đầu tư. Nhưng gần đây, nhiều nguồn tin tiết lộ, chủ của khách sạn này đang tìm kiếm nhà đầu tư mới để rút vốn khỏi dự án. Điều đáng nói là New World hoạt động khá hiệu quả, lợi nhuận thuần hàng năm của khách sạn khoảng 10 - 14 triệu USD.

Nhân viên phục vụ cafe tại khách sạn Metropole Hanoi

Trong một động thái tương tự, sau khi thoái vốn khỏi khách sạn Legend, VinaCapital cho biết cũng đang tìm đối tác để bán lại cổ phần tại khách sạn Metropole Hà Nội. Một trường hợp sở hữu nhiều khách sạn cao cấp nữa là Saigontourist, DN này cũng thông tin rằng họ đang dự tính bán bớt một số khách sạn cho đối tác khác để tập trung nguồn lực phát triển một số lĩnh vực kinh doanh tiềm năng hơn...

Hàng loạt các thông tin chuyển nhượng vốn ở khách sạn hạng sang trong thời gian gần đây dẫn tới nhiều đồn đoán về khả năng nhà đầu tư mảng khách sạn rút chạy hàng loạt. Nguyên nhân được nêu lên là nền kinh tế thời gian qua phát triển không thuận, lại phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ đối thủ “ít sao” hơn, nên doanh thu từ hoạt động khách sạn sụt giảm khá mạnh.

Số liệu trong quý I/2014, riêng kinh doanh mảng khách sạn 5 sao tại TP. Hồ Chí Minh giảm từ 1-2% so với cùng kỳ, thậm chí một số khách sạn giảm đến 4-5%.

Thừa nhận điều này, ông John Augustin, Giám đốc Điều hành Tập đoàn quản lý The Everly Group cho rằng, kết quả kinh doanh của ngành khách sạn tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã không còn được như thời điểm 2007 - 2008. Do vậy, nhiều DN Việt Nam chào bán các dự án khách sạn đang triển khai cho The Everly Group.

Song, theo quan điểm của ông John Augustin, diễn biến trên không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư từ bỏ thị trường. Thực tế, đây là bài toán lợi nhuận và mục đích đầu tư của các nhà tài phiệt, đang được tính toán chuyển hướng. Sự chuyển hướng ở đây là dòng vốn đang tập trung vào những DN nhỏ hơn, nâng đỡ họ trở thành những DN mới, vốn mạnh, xây dựng thương hiệu mới để thu lợi nhuận…

“TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang ở giai đoạn đầu phát triển, như các thành phố lớn của Malaysia những năm 1980, nên dư địa còn rất lớn. Thậm chí, trong giai đoạn suy thoái kinh tế, nhiều khách sạn 5 sao vẫn được giới chuyên môn đánh giá là kinh doanh hiệu quả”, một chuyên gia nói.

Theo thống kê của Savills về giá trị và xu hướng đầu tư trong khu vực châu Á đối với lĩnh vực khách sạn cho thấy, Việt Nam đang chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 2% trong tổng số 12 thị trường mà các nhà đầu tư quốc tế hiện diện (Singapore chiếm đến 10% và Thái Lan là 7%, Trung Quốc chiếm lớn nhất với 20%). Theo đó, tiềm năng thu lợi từ lĩnh vực này còn rất nhiều.

Rõ ràng, trong lĩnh vực đầu tư này, các khách sạn mới hơn, những khoản đầu tư sau luôn tìm được lợi nhuận cao hơn. Điều đó lý giải vì sao nhiều trường hợp rút vốn khỏi khách sạn cũ nhưng cũng có rất nhiều khoản tiền khổng lồ tiếp tục đổ vào những dự án khách sạn cao cấp mới.

Chính vì lẽ đó, cùng là khách sạn cao cấp nhưng các khách sạn xây sau như: Park Hyatt, InterContinental Asiana Saigon và Movenpick Hotel… vẫn kinh doanh tốt so với những khách sạn cũ như Rex, Duxton…

Song song đó, các nhà đầu tư ngoại liên tục đổ vốn vào dự án mới để đầu tư. Đơn cử như mới đây (ngày 5/5), Công ty Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã cam kết khoản góp vốn 14 triệu USD vào Tập đoàn Thiên Minh nhằm giúp tập đoàn này tiếp tục triển khai chiến lược dài hạn về mở rộng hoạt động kinh doanh lữ hành, cũng như phát triển chuỗi khách sạn của tập đoàn trên cả nước.

Dù lý do được đưa ra là dự án sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, đóng góp vào quá trình đa dạng hóa nền kinh tế, tăng trưởng bền vững và tạo thêm nhiều việc làm.

Song, ai cũng thấy được rằng, nguồn vốn đầu tư và tư vấn kỹ thuật của IFC sẽ góp phần vào việc xây dựng Tập đoàn Thiên Minh thành một trong những thương hiệu lữ hành phát triển thành công tại châu Á, đồng thời đưa Thiên Minh trở thành một tập đoàn khách sạn quan trọng tại khu vực Đông Dương. Đồng thời, điều này cũng mang lại lợi nhuận cho IFC.

Hay Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng cho biết, sắp tới họ sẽ tiếp tục ra mắt một khách sạn 5 sao tại dự án Lotte Center Hà Nội và không loại trừ trong tương lai là khách sạn 5 sao tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP. Hồ Chí Minh… Trong vai trò là một nhà đầu tư, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành Quỹ VOF (VinaCapital) thừa nhận, VinaCapital sẽ không từ bỏ cơ hội đầu tư vào mảng dịch vụ cao cấp này, nếu có cơ hội.

Từ đây, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là giai đoạn để các nhà đầu tư ngoại quan tâm đến bất động sản khách sạn Việt Nam mua vào những tài sản giá rẻ. Do vậy, nhà đầu tư trong nước nên nhìn cục diện để cân nhắc trong việc hợp tác, đầu tư, không nên bán rẻ, bán tháo vì thị trường còn rất nhiều tiềm năng.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng