Khách sạn hạng sang: Cuộc đua hấp dẫn

Cập nhật 02/03/2015 12:57

Đến TP.HCM ở khách sạn hạng sang, tại sao không? Sẽ có không ít khách du lịch ngoại quốc nghĩ như vậy khi mà khá nhiều dự án mới thuộc phân khúc này sắp được trình làng ở thành phố mang tên Bác trong năm 2015.


Theo Alternaty, một hãng tư vấn bất động sản du lịch tại TPHCM, thì nguồn cung ở phân khúc khách sạn hạng sang được dự báo tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Thị trường khách sạn hạng sang tại TP.HCM hiện có thể được chia làm 3 nhóm: phân khúc hạng sang (Luxury) với Hyatt dẫn đầu về mức giá phòng; phân khúc trên cao cấp (Upper Upscale) Renaissance, Rex hay Sofitel; và phân phúc cao cấp (Upscale) bao gồm các khách sạn 4 - 5 sao chuẩn quốc tế.

Về số lượng, nguồn cung khách sạn hạng sang tại TP.HCM đã tăng lên tổng cộng 16 khách sạn, cung cấp 5.146 phòng. Trong đó, phải kể đến một khách sạn cao cấp mới ra đời như Tan Son Nhat Saigon, Novotel (đã đi vào hoạt động năm 2013), hay Pullman Saigon Hotel khai trương năm 2014.

Theo kế hoạch, năm 2015, hai khách sạn cao cấp là The Reverie (trước đây là Times Square) và Le Meridien với tổng cộng 636 phòng sẽ được đưa vào khai thác. Tiếp theo, sẽ có thêm ít nhất 2 khách sạn cao cấp đi vào hoạt động. Một trong đó là dự án Viettel với khoảng 424 phòng, được kỳ vọng hoàn tất năm 2016 và do một thương hiệu nổi tiếng quốc tế quản lý.

Trong khi đó, Union Square Hotel (trước đây là Vincom A) dự tính cũng sẽ khai trương vào năm 2016, tạo thêm nguồn cung mới ở phân khúc này. Kế đó, các dự án The One và Lavenue được dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2017-2018.

Ngoài ra, việc mở rộng khách sạn Majestic, cũng như tái phát triển Satra Tax Centre (Thương xá Tax) cũng được cho là sẽ hoàn tất trong vòng 4 năm tới, giúp gia tăng thêm nguồn cung phòng khách sạn hạng sang tại TP.HCM.

Lý do nào khiến các khách sạn hạng sang lại đua nhau mọc lên vào thời điểm này? Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượt khách tới tham quan TP.HCM đã tăng lên mức hơn 4 triệu lượt/năm, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình là 11,4% trong suốt giai đoạn từ năm 2009 đến nay. Năm ngoái, Thành phố đón tiếp khoảng 4,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7% so với năm trước và chiếm khoảng 50% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.

Song hành với xu thế đó, thị trường khách sạn nhìn chung cũng cho thấy những dấu hiệu hồi phục từ năm 2012. Phân khúc hạng sang liên tục dẫn đầu thị trường trong năm 2013 và 2014 với công suất phòng đạt cao nhất trong các phân khúc, tỉ lệ lấp đầy tính riêng trong nhóm này đã đạt bình quân 71%. Khách sạn Intercontinental và Sheraton nằm trong số những đơn vị hoạt động kinh doanh tốt nhất trên thị trường, với công suất phòng được ghi nhận đạt trên 75%.

Dù vậy, công suất khai thác phòng trong năm 2015 được dự báo sẽ bị thách thức bởi những đợt khai trương mới của nhiều dự án trong phân khúc hạng sang. Tuy nhiên, số lượng phòng mới sẽ được cân bằng bởi việc một số cơ sở đóng cửa các tầng hoặc ngừng kinh doanh để tu sửa. Nhóm này bao gồm Park Hyatt, Sheraton, Continental và New World, cùng với các phòng ở Caravelle cũng đang trong giai đoạn này.

Ðây chính là cơ hội phát triển cho những khách sạn cỡ trung có thương hiệu quốc tế. Thực tế, phân khúc khách sạn hạng sang vẫn còn tiềm năng khi nhìn từ nhu cầu của thị trường. Những địa điểm gần sân bay hoặc khu đô thị mới sẽ là phương án hàng đầu cho các khách sạn hạng sang có quy mô vừa và nhỏ, theo Alternaty.

Không chỉ có vậy, thị trường du lịch Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai. TP.HCM đang là thành phố dẫn đầu về lượng khách doanh nhân, doanh nghiệp. Một cách ngắn gọn, so với các điểm đến châu Á khác, tổng số phòng khách sạn hạng sang tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn còn khiêm tốn, nên tiềm năng hoàn vốn rất hấp dẫn.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp cầu Đầu tư