Khách sạn ế phòng vì giá quá cao

Cập nhật 24/12/2008 16:04

Sau khi ồ ạt tăng giá thuê buồng phòng do nhiều loại chi phí đầu vào tăng, các khách sạn, cơ sở lưu trú đang rơi vào tình cảnh vắng khách. Tình hình đang thêm trầm trọng khi suy giảm kinh tế toàn cầu lan rộng.

Các cơ quan quản lý cho rằng, để cứu vãn tình hình, các khách sạn, cơ sở lưu trú không còn con đường nào khác ngoài việc đại hạ giá.

Trước tăng, sau giảm

Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch Việt Nam, đầu năm 2008, giá thuê phòng khách sạn cao cấp ở nhiều tỉnh, thành phố tăng vọt từ 30-50%. Chẳng hạn, giá phòng trung bình tại Sofitel Plaza Hà Nội tăng từ 90 lên 160 USD/đêm, Bảo Sơn tăng từ 70 lên 100USD, Nikko Hà Nội từ 130 lên 170USD...

Theo Tổng cục Du lịch, tại thời điểm đó, các mức giá trên là mức khách sạn ký kết với công ty lữ hành, còn trên thực tế khách đặt phòng lẻ tùy theo thời điểm có khi còn phải chịu giá cao hơn. Lý do giá phòng tăng mạnh được giải thích đơn giản do các chi phí đầu vào như xăng dầu hay giá thuê nhân công tăng mạnh...

Theo đánh giá của Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), giá phòng tăng, giá tour tăng đã ảnh hưởng tiêu cực tới việc thu hút khách quốc tế tới Việt Nam. Chỉ những khách chưa đến Việt Nam mới chấp nhận giá cao, còn những khách đã tới thì hầu như không quay lại và lựa chọn các nước lân cận. Thậm chí, không chỉ khách nước ngoài giảm sút, nhiều đoàn khách Việt Nam cũng đến các quốc gia lân cận để tổ chức hội thảo thay vì làm trong nước vì chi phí rẻ hơn.

Thời gian gần đây, cùng với tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái, kinh doanh du lịch bắt đầu giảm sút, lượng khách thưa dần khiến công suất phòng tụt dốc. Đặc biệt, công suất buồng phòng của các khách sạn có thứ hạng cao giảm mạnh, từ 10-20%. Do lượng khách trong nước và quốc tế giảm nên công suất bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước chỉ đạt khoảng 49%.

Ông Renato Shordon - Phó Giám đốc Công ty CB Richard Ellis Việt Nam cho biết, trong quý III-2008, giá phòng bình quân của các khách sạn cao cấp tại Hà Nội chỉ đứng ở mức 150USD/ngày với hệ số sử dụng phòng trung bình giảm trên 20% so với hồi đầu năm.

Nhiều khách sạn thừa nhận, giá thuê và hiệu suất phòng tụt dốc bởi suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho lượng khách thương gia và khách du lịch sụt giảm. Dự báo, hoạt động cho thuê phòng khách sạn cao cấp vẫn không thể sôi động cho tới đầu năm 2009.

Cũng theo đại diện CBRE, không chỉ có khách sạn hạng sang gặp khó mà trong bối cảnh kinh tế thế giới xuống dốc, cộng đồng người nước ngoài tại Hà Nội cũng ngày càng quan tâm hơn đến các căn hộ cho thuê với giá trung bình từ 1.000-1.700 USD/tháng thay vì hướng tới những căn hộ cao cấp có giá thuê “cắt cổ” khoảng 3.000-4.000 USD/tháng như trước đây. Đây là kịch bản hoàn toàn trái ngược với những nhận định đưa ra trước đó như “giá phòng sẽ tiếp tục tăng vì Hà Nội thiếu phòng khách sạn trầm trọng”.

Hạ giá để tự cứu

Bà Đỗ Thị Hồng Xoan - Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cụ Du lịch) cho biết, tình hình kinh doanh khó khăn đã buộc các khách sạn, cơ sở lưu trú chủ động hạ giá thuê buồng phòng đã trót tăng mạnh hồi đầu năm. Tới đầu tháng 12-2008, giá phòng nhìn chung đã giảm khoảng 15-25% so với mức đầu năm 2008.

Tuy thế, so sánh với giá phòng của một số nước trong khu vực, giá phòng khách sạn ở Việt Nam vẫn cao hơn từ 10-15%. Giá phòng trong nước hiện chỉ chịu kém chút ít so với 3 địa danh nổi tiếng về du lịch của châu á là Thượng Hải (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan) và Singapore.

Từ những so sánh nêu trên, bà Đỗ Thị Hồng Xoan cho rằng, trước tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, giá thuê phòng phải tiếp tục giảm mạnh mới mong thu hút được khách quốc tế cũng như trong nước quay trở lại.

Bà Đỗ Thị Hồng Xoan nói: “Các cơ sở lưu trú du lịch cần tham khảo mặt bằng giá phòng của các nước lân cận, kết hợp với tính toán cung cầu để xây dựng giá phòng, giá dịch vụ hợp lý, đảm bảo giữ được chất lượng phục vụ tướng ứng với thứ hạng được công nhận”. Theo lãnh đạo Vụ Khách sạn, giảm giá một cách linh hoạt trong tình hình hiện nay nhằm kích cầu du lịch cũng là biện pháp cần thiết để thúc đẩy ngành du lịch thoát khỏi khủng hoảng.

Kèm với đó, để giảm bớt khó khăn cho các cơ sở lưu trú, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí, Tổng cục Du lịch đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giảm giá cước bưu chính, viễn thông, giá điện, giá nước hay giảm thuế VAT, thuế sử dụng đất... cho các cơ sở lưu trú, nhất là trong 2 năm 2008-2009. Đây cũng là biện pháp được nhiều nước áp dụng để cứu các cơ sở lưu trú khi ngành du lịch rơi vào khủng hoảng.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô