Khách hàng Bất động sản tự cứu mình: Mô hình có tính khả thi cao?

Cập nhật 05/08/2013 16:57

Mất niềm tin đang là rào cản lớn trên thị trường BĐS. Bởi khi không tin vào doanh nghiệp, ngân hàng không giải ngân và khách hàng không chịu nộp tiền thì chủ đầu tư sẽ không có tiền để hoàn thiện dự án. Điều làm cho thị trường BĐS rơi vào bế tắc, khiến nhiều dự án rơi vào tình trạng bỏ hoang gây thiệt hại cho tất cả các bên. Tuần qua, diễn biến về việc tự cứu mình giữa chủ đầu tư và khách hàng của dự án Usilk City Hà Đông (Hà Nội) được xem là một giải pháp gỡ nút thắt khả thi trong thời điểm hiện nay.

Dự án Usilk City.

Khách hàng quản lý dòng tiền

Theo đó, người mua nhà hàng tuần không nộp tiền trực tiếp cho chủ đầu tư như trước đây mà chuyển tiền thanh toán cho những hạng mục mà chủ đầu tư đã thực hiện. Ngân hàng sẽ giúp họ kiểm soát hoạt động này. Nghĩa là chỉ khi công trường được thi công, có khối lượng công việc thì chủ đầu tư mới nhận được tiền. Nếu bội ước, chủ đầu tư sẽ không lấy được tiền trong túi của khách hàng. Phương án này được đưa ra và gần như được toàn bộ khách hàng của dự án Usilk City Hà Đông đồng thuận, chấp nhận nộp tiền sau một thời gian dài không nộp vì không tin tưởng chủ đầu tư.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà - đại diện bên khách hàng dự án này cho biết: “Các khách hàng trước đây có tâm lý lo ngại, khi  họ chuyển dòng tiền cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư liền bị các tổ chức tín dụng hoặc một số tổ chức tài chính khác đang còn dư nợ quá hạn siết nợ. Như vậy, tiền của họ không được trực tiếp sử dụng vào mục đích hoàn thiện căn hộ của họ. Chúng tôi đã nghiên cứu ra một phương án là người mua nhà trực tiếp mở các tài khoản tại ngân hàng và họ kiểm soát được việc chủ đầu tư thi công sau hàng tuần, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ lý do gì ngoài mục đích hoàn thiện dự án”.

Anh Nguyễn Hồng Minh cũng như 400 khách hàng khác sau khi được thuyết phục bởi phương án được cho là tự cứu  mình đã quyết tâm nộp tiền cho dù gia đình anh đã phải tính đến phương án đi vay ngân hàng. Anh Minh nói: “Tôi sẵn sàng đi vay, vì trong thời điểm này tiền mặt rất khó khăn. Nhưng tôi sẽ thế chấp căn hộ để có tiền đóng tiếp cho dự án, để có thể nhận được nhà trong thời gian sớm nhất”.

Chị Mai Hữu Hạnh - một đại diện khách hàng cũng nhất trí quan điểm cộng đồng những người mua nhà nỗ lực để thu nốt dòng tiền còn lại và tìm ra phương án để quản lý dòng tiền, hỗ trợ chủ đầu tư đưa dự án về đích vào cuối năm nay. Chị Hạnh mong rằng chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long cũng nỗ lực cố gắng để lấy được niềm tin của khách hàng.

Cơ hội lấy lại niềm tin của chủ đầu tư

Bản thân ông Phạm Viết Sơn - Tổng giám đốc Cty CP Sông Đà Thăng Long thừa nhận: “Chưa bao giờ khách hàng và chủ đầu tư lại có sự đồng thuận như vậy. Mọi người đều hiểu là nếu tiếp tục nghi ngờ lẫn nhau thì cả hai bên đều thiệt hại và khách hàng thì chẳng biết bao giờ mới có được nhà”.

Ông Sơn cho biết: Cơ bản số đông khách hàng đồng thuận với chủ đầu tư về những vấn đề đã đưa ra. Và để đảm bảo quyền lợi cho những khách hàng gương mẫu nộp tiền, chủ đầu tư sẽ phải xứ lý nhóm khách hàng chây ì không nộp tiếp. Số đông khách hàng cũng cam kết sau một tuần sẽ nộp tiền vào ngân hàng để dự án vận hành.

Theo một chuyên gia, việc để khách hàng quản lý dòng tiền hoàn thiện dự án chưa có trong quy định của pháp luật, không có cơ chế vận hành cụ thể nào theo chính sách quản lý của nhà nước nhưng cơ bản nó giải quyết được mâu thuẫn nội tại của thị trường BĐS giai đoạn này. Đây là sự thỏa thuận không cưỡng ép giữa chủ đầu tư và khách hàng nên hoàn toàn có thể coi là hợp lệ. Hiện không biết có bao nhiêu dự án đang mắc kẹt ở sự mất lòng tin, khách hàng và chủ đầu tư chưa ngồi với nhau. Nhưng vị chuyên gia cho rằng nếu làm được điều này chắc chắn sẽ có thêm nhiều dự án dở dang có cơ hội về tới đích.

Bộ Xây dựng sẽ có văn bản hướng dẫn

Theo thông tin mới nhất của Báo Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam sắp tới sẽ khẩn trương làm việc với các địa phương, xây dựng cơ chế để các địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân đối thoại được với nhau. Bộ Xây dựng cũng làm việc với Ngân hàng Nhà nước và đề xuất tạm thời các ngân hàng không siết nợ doanh nghiệp BĐS, tạo điều kiện cho chủ đầu tư và khách hàng giải quyết mâu thuẫn, tìm phương án hoàn thiện giao nhà. Dự án có “chạy”, người dân có nhà, doanh nghiệp có tiền thì các tổ chức tín dụng mới có cơ hội thu hồi nợ đọng.

Đồng thời Thứ trưởng Nam cũng cho biết, Bộ Xây dựng cũng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn theo mô hình bắt buộc bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm mua nhà có sự bảo đảm của ngân hàng để tránh rủi ro cho cả bên mua và bên bán giúp thị trường BĐS phục hồi và ổn định.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng