Vấn đề giá đất được nhiều đại biểu Quốc hội coi như “cốt lõi” để thực hiện các mục tiêu phát triển nhanh và ổn định của năm tới. Cùng đó, các chỉ tiêu về CPI, nhà ở, nước sạch cho người dân cũng được nhiều đại biểu quan tâm “lên tiếng”...
Chiều 5/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008.
Mua một ngôi nhà là việc rất... mù mờ
Chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM Nguyễn Đăng Trừng cho rằng chỉ đề mục tiêu “kiểm soát, chống đầu cơ, bảo đảm thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển bình ổn” là chưa... “đạt”.
Theo ông, bất động sản đang là vấn đề nóng nhất và phải đặt vấn đề mạnh hơn để Chính phủ tập trung chỉ đạo. Với giá đất như hiện nay rất khó cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bởi rất khó giải toả và khi điều này xảy ra, nhà đầu tư “khó lòng” trụ lại.
Trong khi, với người dân: “giá đất như thế này khiến nhiều người thấy việc mua được một ngôi nhà là một việc rất... mù mờ”.
Để giải quyết vấn đề, ông Trừng đề xuất ba giải pháp: tài chính, hành chính và kinh tế. Cụ thể, xây dựng nhanh luật về sử dụng đất, thu lại đất của những dự án chậm triển khai, tăng nguồn cung nhà ở.
Đại biểu Trần Du Lịch (Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM) cũng cho rằng, Quốc hội cần thật sự quan tâm tới những biện pháp nhằm hạn chế tăng giá đất, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Với giá đất như hiện tại, rất khó cho việc triển khai các công trình lớn trong năm tới, do những vướng mắc từ giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến mục tiêu “giải quyết dứt điểm các vụ kiện tồn đọng kéo dài”, đại biểu Giao Nhiễu Linh cho rằng, đề ra như vậy chúng ta thể hiện quyết tâm cao nhưng rất khó thực hiện.
“Chúng ta đang trong giai đoạn qui hoạch, phát triển đô thị, có mâu thuẫn giữa các lợi ích và như vậy, liệu có “dứt điểm” được không?” - bà Linh nêu câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Văn Bé cũng chia sẻ với bà Linh, chúng ta đã giải quyết được 79% các vụ khiếu nại tố cáo nhưng những vụ còn lại là những vụ... “hóc”. Thêm nữa, những vụ việc năm sau lại cao hơn năm trước, nhất là khi đất đai đang nóng bỏng như hiện nay.
Nên hay không nên thay đổi chỉ tiêu CPI?
Trong hai phương án tăng trưởng GDP đưa ra (8,5 - 9% hoặc 9%), đại biểu Trần Du Lịch “chọn” phương án 9%. Theo ông Lịch, trong các báo cáo chúng ta thường nói là phát triển chưa tương xứng với tiềm năm nên cần đặt 9% để phát huy nội lực hướng tới thực hiện cho được.
Ông cũng cho rằng “không nên ngại” trong trường hợp thế giới có những biến động và chúng ta không hoàn thành được mục tiêu. “Đặt 8,5 - 9% là an toàn nhưng không thế hiện được quan điểm tấn công trong phát triển” - ông Lịch nhấn mạnh.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đại biểu này cho rằng, trong điều hành cần thực hiện tốt công tác dự báo, cân đối vĩ mô, nhưng đặt “cứng” 7% là khó, không có cơ sở, nhất là khi chúng ta phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Ông Lịch đề nghị nên giữ mục tiêu CPI thấp hơn GDP.
Trái với quan điểm của ông Trần Du Lịch, bà Ngô Minh Ngọc lại cho rằng, không thể được cái này, hi sinh cái kia, không thể tăng trưởng đến đâu, CPI “mấp mé” đến đó.
Theo bà Ngọc, con số 7% là để chúng ta phấn đấu, bởi theo bà, bình ổn giá cũng là lấy chỗ nọ đắp chỗ kia cũng như tạo ra cơ chế cạnh tranh để không tăng giá.
Quan điểm của đại biểu Ngọc lập tức được đại biểu Lê Thành Tâm ủng hộ. Theo đại biểu Tâm, bên cạnh những tác động khách quan như sự bất ổn của giá xăng dầu, Chính phủ vẫn nắm trong tay những vũ khí kiềm chế giá như chính sách thuế, lưu chuyển tiền tệ, chống tham nhũng... nên “chốt” CPI ở một con số nào đó cũng có những cơ sở.
Chỉ tiêu về tăng nhà ở 12% cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Trần Du Lịch, chúng ta có thể bớt chỉ tiêu kinh tế để tăng thêm những chỉ tiêu mang tính xã hội như vậy.
Theo Dân Trí