Kêu gọi nhà nước ưu đãi để xây nhà cho công nhân

Cập nhật 18/10/2011 15:15


Một khu nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng
Làm thế nào để phát triển các khu nhà lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp, một lần nữa được đặt ra bàn luận; và lần này những người có liên quan tiếp tục đề xuất nhà nước cần có chính sách ưu đãi nếu muốn các doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Đây là vấn đề được nói đến nhiều lần tại các cuộc hội thảo, qua đó chỉ ra thực trạng vừa thừa vừa thiếu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, không chỉ riêng tại TPHCM mà các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai cũng đang gặp phải vấn đề này.

Phát biểu tại buổi hội thảo "Nhà ở công nhân: thực trạng và giải pháp" tổ chức tại Bình Dương ngày 17-10, đại diện của tỉnh này cho biết số công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn tỉnh khoảng 250.000 người, nếu phát triển dự án đến năm 2015 cũng chỉ giải quyết được phân nửa nhu cầu.

Đại diện tỉnh Bình Dương cho biết việc quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân còn hạn chế là do trước đây tỉnh chưa lường hết nhu cầu nhà ở của người lao động. Các khu công nghiệp hình thành sớm đã không dành một tỷ lệ đất phù hợp và không có phương án xây dựng nhà ở cho người lao động. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2008 đến nay, do các diễn biến không thuận lợi cho việc đầu tư phát triển thị trường bất động sản nên việc đầu tư các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh bị chậm lại.

Giống như các địa phương khác, nhà ở công nhân tại Bình Dương là do người dân tự xây dựng để cho thuê, và có những nơi cơ sở vật chất kỹ thuật không đảm bảo, thiếu ánh sáng và không thông thoáng.

Phát biểu tại buổi hội thảo, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các dự án nhà ở cho công nhân không thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia vì họ chưa tiếp cận được nguồn vốn và các chính sách ưu đãi.

Đồng Nai hiện có 30 khu công nghiệp và 43 cụm công nghiệp, thu hút khoảng 420.000 người làm việc, trong đó lao động nhập cư chiếm 60%, khoảng 252.000 người.

Tỉnh này cho biết hiện có 61 dự án đăng ký xây nhà ở cho công nhân, trong đó có 17 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, số còn lại chỉ dừng lại ở thủ tục đăng ký, giới thiệu địa điểm, giải phóng mặt bằng.

Đại diện tỉnh này cho biết các doanh nghiệp địa ốc đăng ký đầu tư loại hình này, nhưng sau khi được chấp thuận địa điểm thì không tiếp tục triển khai dự án. Cũng có trường hợp doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhà ở thương mại kết hợp nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng chủ yếu chỉ tập trung xây dựng nhà ở thương mại.

“Nhu cầu nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố hiện nay rất lớn nhưng việc triển khai xây dựng chưa đáp ứng được nhu cầu”, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Văn Danh nhận xét khi đề cập đến tình hình phát triển nhà lưu trú cho công nhân tại thành phố.

Hiện thành phố có ba khu chế xuất và 10 khu công nghiệp, thu hút hàng trăm nghìn công nhân làm việc. Trong đó, lượng công nhân đến từ các tỉnh khác có nhu cầu thuê nhà ở là rất lớn.

Tương tự như các địa phương khác, nhiều khu nhà trọ tại TPHCM được xây dựng với diện tích nhỏ, không thông thoáng, xây bằng vật liệu tạm, chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Hiệu quả không cao và thu hồi vốn chậm là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp địa ốc không mặn mà với việc xây dựng nhà trọ công nhân.

Đại diện các địa phương cho rằng để thu hút các công ty đầu tư vào lĩnh vực này, nhà nước cần hỗ trợ chương trình nhà ở cho công nhân bằng việc đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, quỹ đất cũng như vốn vay. Ngoài ra, Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở để công nhân, người thu nhập thấp có thể vay vốn mua nhà.

Phát biểu tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, cho biết nhà nước sẽ hỗ trợ các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân thông qua các chính sách ưu đãi, đồng thời khuyến khích các công ty nhà nước tham gia vào những dự án nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm tạo chỗ ở cho người lao động, và việc dùng đất còn trống trong khu công nghiệp để xây nhà ở cho công nhân cũng là một cách giảm áp lực về nhà ở và giao thông hiện nay.

Theo Bộ Xây dựng, cả nước có 260 khu công nghiệp, trong đó 174 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện chỉ có 20% công nhân có chỗ ở ổn định, 80% phải thuê nhà trọ không đạt tiêu chuẩn với giá 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Dự báo đến năm 2015, nhu cầu về chỗ ở cho công nhân khu công nghiệp lên đến 2,65 triệu người, cần 21 triệu mét vuông nhà ở.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG