16 năm trước, thành phố đã chi gần 1.000 tỷ đồng để cải tạo kênh Hàng Bàng (quận 6, TPHCM), lắp đặt cống hộp, ngăn chặn ô nhiễm. Nay những đoạn kênh đã lấp sẽ được đào lên trả lại nguyên trạng để giải quyết vấn nạn ngập do nước thiếu lối thoát!
Tăng khả năng thoát nước cho khu vực
Hiện nay, lòng kênh bị bồi lắng, thu hẹp dòng chảy, ô nhiễm trầm trọng. Do đó, cần phải nạo vét để khơi thông dòng chảy, đặc biệt kết nối các tuyến cống thoát nước trên thượng nguồn về kênh, kết hợp trạm bơm Phạm Văn Khỏe để thoát nước vào kênh Lò Gốm và Tàu Hủ, giải quyết đường thoát nước khi xảy ra triều cường kết hợp với mưa lớn.
Hiện hai đoạn kênh ở hai đầu chỉ còn là một mương thoát nước thải của khu dân cư hai bên, rộng chừng 2m - 3m. Riêng đoạn giữa của kênh (từ đường Bình Tiên đến đường Phạm Đình Hổ dài hơn 600m) đã được lấp, đặt cống hộp từ năm 1999 - 2000.
Phó Chủ tịch UBND quận 6 Huỳnh Minh Hùng cho biết, việc đào lại hơn 600m kênh đã bị lấp để tăng khả năng thoát nước cho khu vực, chỉnh trang đô thị ở hai bên dòng kênh. Kênh Hàng Bàng được khơi thông sẽ đảm bảo thoát nước, tránh ngập cho cả khu vực.
Theo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM, Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực rạch Hàng Bàng (thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2) làm theo dạng kênh hở và công viên cây xanh dọc theo hai bên kênh.
Mục tiêu của dự án: Khôi phục kênh Hàng Bàng để đảm bảo khả năng thoát nước và tăng khả năng tích trữ nước. Toàn bộ tuyến kênh chạy từ rạch Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) dài khoảng 1.400m. Trong đó, đoạn 1 từ kênh Lò Gốm đến đường Bình Tiên (dài 220m) được nạo vét và xây dựng bờ kè; đoạn 2 từ đường Bình Tiên đến đường Mai Xuân Thưởng (dài 675m); đoạn 3 từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng (765m) mới ở giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và kết hợp với quận 5, 6 di dời giải tỏa; đoạn 4 từ đường Phan Văn Khỏe đến đường Võ Văn Kiệt (155m) được nạo vét và xây dựng bờ kè.
Hiện chỉ mới thi công đoạn 1 và đoạn 4, dự kiến tháng 10-2016 hoàn thành. Giai đoạn 2 của dự án là tiếp tục nạo vét, kè bờ (quy mô dự án: đường Phan Văn Khỏe - Bãi Sậy, đoạn từ đường Phạm Đình Hổ đến đường Ngô Nhân Tịnh) dài 470m, rộng từ 32m - 55m. Giai đoạn 3 là nạo vét, kè bờ (quy mô dự án dọc đường Phan Văn Khỏe - Bãi Sậy, đoạn từ đường Cao Văn Lầu đến đường Bình Tiên). Dự kiến dự án được thực hiện từ năm 2017 - 2020.
Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng lên đến 2.500 tỷ đồng, chưa tính tiền xây dựng.
Bài học kinh nghiệm đắt giá!
Việc giải tỏa, đào lại kênh Hàng Bàng trải qua 3 giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào năm 2020 với kinh phí giải tỏa bồi thường đã hơn 2.500 tỷ đồng. Vì sao mất 1.000 tỷ đồng để lấp và đặt cống hộp, giờ lại mất gần 3.000 tỷ để khôi phục lại kênh?
Về vấn đề này, thạc sĩ Phạm Sanh, giảng viên Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, nhận định: Trước đây, các ngành nghĩ đơn giản theo kiểu thấy ô nhiễm thì lấp kênh, đặt cống, làm đường để giảm ô nhiễm. Hơn nữa, thời gian thực hiện dự án nhanh hơn, ít giải tỏa và chi phí đầu tư chắc chắn sẽ rẻ hơn.
Tại thời điểm đó cũng chưa nghĩ đến việc ngập úng như hiện nay. Bây giờ, hàng loạt tuyến cống thoát nước được xây dựng, phần lớn đều thoát vào kênh Hàng Bàng nhưng kênh này lại không thông nước được. Vì vậy, việc đào lại hơn 600m kênh Hàng Bàng đã được lắp cống để tăng khả năng thoát nước, cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị ở hai bên dòng kênh là chuyện phải làm.
Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, cho biết các dự án khôi phục lại những con kênh cũ không chỉ đảm bảo việc thoát nước mà còn là các khu trữ nước của thành phố. Khi trời mưa, các tuyến cống muốn thoát nước nhanh thì kênh, rạch phải thông thoát. Như vậy, chính quyền địa phương phải quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm kênh rạch.
Quay lại kênh Hàng Bàng, nếu được quản lý tốt cách đây 15 năm thì hiện nay đâu phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để khôi phục lại. Việc nạo vét, chỉnh trang lại kênh Hàng Bàng sẽ đơn giản và đỡ tốn kém hơn nhiều so với việc lấp đi, rồi đào lại như hiện nay.
Sau khi hoàn thành, kênh Hàng Bàng sẽ giải quyết căn cơ về môi trường, cảnh quan, mà rõ rệt nhất là giải quyết chuyện chống ngập không chỉ ở quận 6 mà của cả quận 5, quận 11… Câu chuyện lấp đi rồi đào lại tốn mấy ngàn tỷ đồng rất lãng phí, chúng ta phải rút kinh nghiệm, không thể để tồn tại tình trạng lấn chiếm, lấp sông, rạch xây nhà ở, đặt cống làm đường...
Còn GS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghiệp), cho rằng sau kênh Hàng Bàng, nhà nước cần khơi thông lại nhiều tuyến kênh khác đã bị lấn chiếm bồi lấp. Không có tiền cải tạo kênh rạch thì thành phố phải quản lý giữ nguyên hiện trạng, không để lấp kênh rạch như trường hợp kênh Hàng Bàng. Nhìn chung, các chuyên gia ủng hộ thành phố sửa sai bằng cách cho đào lại con kênh Hàng Bàng như nguyên trạng ban đầu.
TPHCM hiện có 3.020 tuyến kênh rạch, tổng chiều dài trên 5.000km, trong đó hàng trăm tuyến kênh, rạch đã bị san lấp hay thay bằng cống hộp để làm dự án nhà ở, khu dân cư ở các quận 2, 7, 8, 9, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh… khiến chức năng thoát nước bị hạn chế, thời điểm mưa lớn hay triều cường nước không thoát kịp nên gây ra ngập. Để hạn chế tình trạng này, thành phố cần thường xuyên chủ động cho nạo vét kênh, rạch hàng năm, chứ không để đến khi kênh rạch bị “xóa sổ” rồi mới khắc phục.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP