Kênh đầu tư nào an toàn?

Cập nhật 24/11/2009 09:40

Sự ảm đạm của TTCK khiến nhiều nhà đầu tư phải thận trọng. Ảnh: Trung Kiên

Chiều 23-11, giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mức 28,55 triệu đồng khi vàng thế giới lập kỷ lục mới. Trong khi đó, thị trường chứng khoán (TTCK) lại ngập màu đỏ do chịu tác động bởi sự suy giảm của TTCK Mỹ trước những lo ngại về lạm phát của giới đầu tư. Giá vàng tăng "phi mã", hay sự sụt giảm của TTCK đã gây ảnh hưởng đến giá bất động sản. Tuy nhiên, thị trường này quá "nóng" trong thời gian gần đây còn do yếu tố đầu cơ…

Giá vàng khó tưởng tượng nổi

Có thể nói, giá vàng đã tăng với tốc độ "chóng mặt" trong thời gian gần đây. Vào lúc 15h hôm qua, tại Hà Nội, vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu mua vào 28,21 triệu đồng/lượng, bán ra 28,55 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước; vàng SJC mua vào 28,2 triệu đồng/lượng, bán ra 28,55 triệu đồng/lượng. Mặc dù đây không phải là mức kỷ lục so với mức 29,3 triệu đồng/lượng vào ngày "đen tối" của giá vàng 11-11, nhưng vẫn ở mức "ngất ngưởng", khó có nhà đầu tư nào tưởng tượng nổi.

Giá vàng trong nước thường theo xu hướng của giá vàng thế giới. Kể từ đầu năm 2009 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 30%, riêng khoảng 1 tháng trở lại đây, giá đã tăng hơn 100 USD/aoxơ. Vào 15h ngày 23-11, theo giờ Việt Nam, giá vàng lập kỷ lục mới: 1.165,83-1.166,33 USD/aoxơ (quy đổi sang VND là 25,129-25,140 triệu đồng/lượng). Như vậy, nếu so với giá thế giới, giá trong nước vẫn cao hơn 3 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và các chi phí khác). Điều này cho thấy rõ ràng là giá vàng trong nước không chỉ tăng theo giá thế giới, mà còn tăng do tác động của yếu tố đầu cơ. Mặc dù nhà đầu tư đã có được bài học từ sự dao động bất thường của ngày 11-11 khi giới đầu cơ tung ra những tin đồn về việc đồng Việt Nam bị phá giá, "ép" giá vàng lên, xuống, nhằm tạo nên những "cơn sóng vàng" để thu lợi… song nhiều người vẫn lo lạm phát, "đổ xô" vào mua vàng, đẩy giá trong nước tăng cao hơn nhiều so với giá thế giới. Các chuyên gia khuyến cáo, không nên "rồng rắn" mua vàng vào thời điểm này vì sẽ gặp nhiều rủi ro, do giá trong nước đã bỏ xa giá thế giới. Hơn lúc nào hết, nhà đầu tư nên tự bảo vệ túi tiền của chính mình, tránh trở thành nạn nhân của "cơn sóng" vàng.

TTCK "lao dốc", nhiều người tìm đến vàng

Sau một thời gian "thăng hoa", TTCK đã có một bước lùi. Kết thúc phiên 23-11, chỉ số chứng khoán của cả 2 sàn đều giảm, VN-Index đóng cửa ở mức 537,29 điểm (mất 18,55 điểm, tương đương 3,33%); HNX-Index giảm 5,66 điểm, còn 179,13 điểm (3,06%). Trên thực tế, TTCK nước ta chịu ảnh hưởng khá nhiều của TTCK thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Sự lên, xuống của thị trường Mỹ tác động ngay đến giới đầu tư trong nước. Đóng cửa phiên giao dịch đêm 23-11, TTCK Mỹ đồng loạt rực màu đỏ, với sự xuống giá của hàng loạt cổ phiếu, do niềm tin của giới đầu tư vào sự phục hồi kinh tế vẫn bị lung lay. Thêm vào đó, nỗi lo về lạm phát khiến giới đầu tư rút vốn khỏi thị trường này. Kênh đầu tư họ tìm đến vẫn là vàng như một thứ tài sản an toàn trong bối cảnh hiện nay. Nhà đầu tư trong nước cũng vậy. Bất chấp những thông tin về kết quả khả quan của sự phục hồi nền kinh tế, kết quả kinh doanh 10 tháng khá tốt của doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn cảm thấy bất an, kéo chỉ số chứng khoán rơi xuống mức thấp.

Thị trường bất động sản "sốt" do đầu cơ

Những lo ngại không đáng có của nhiều người về sự mất giá của đồng Việt Nam, lạm phát, giá vàng liên tiếp tăng khiến nhiều người tìm đến với bất động sản (BĐS), khiến giá nhà đất trở nên "sốt". Song có một thực tế, giá BĐS trở nên quá cao như hiện nay không phải chỉ do chịu ảnh hưởng của vàng, chứng khoán và những yếu tố khác mà còn do giới đầu cơ "làm giá". Tại một số khu đô thị như Xa La, Văn Quán, Văn Khê… giá đất nền cũng như giá căn hộ chung cư đều tăng cao so với giá gốc của chủ đầu tư, có những nơi tăng đến 50%. Chính "tâm lý đám đông" đã góp phần làm giàu cho giới đầu cơ BĐS, bởi khi thấy giá nhà đất lên cao, nhiều người đổ xô đi mua, càng đẩy giá lên cao; khi giá xuống lại ào ào đi bán. Hiện thị trường BĐS giao dịch khá sôi động, nhưng chủ yếu là nhờ giới đầu cơ.

Theo các chuyên gia, những biến động mang tính chu kỳ diễn ra trong năm 2007 đã lặp lại trong năm nay, bắt đầu từ việc TTCK nóng lên, sau đó chuyển sang BĐS do tâm lý của nhà đầu tư ngắn hạn là chuyển vốn từ TTCK sang thị trường BĐS để bảo đảm an toàn vốn và có lợi trong tương lai gần. BĐS vốn được coi là kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao và khá an toàn nên họ muốn đổ tiền vào, nhưng rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn. Các chuyên gia khuyến cáo, khi BĐS tăng giá cục bộ, nhà đầu tư cần thận trọng để không mắc bẫy làm giá của trung gian cũng như chủ đầu tư.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới