Ì ạch gói 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 18/12/2013 10:47

Sau hơn 4 tháng giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng, người dân và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận so với mong đợi. Nguyên nhân của việc này không khó nhận diện.

Người dân và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng. (Ảnh dự án nhà ở xã hội Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Như Ý

Còn nhiều vướng mắc

Anh Nguyễn Văn Huy (quê Thái Nguyên), hiện đang làm việc cho một công ty vận tải tại quận Long Biên (Hà Nội) kể, dự định mua căn hộ cho người thu nhập thấp ở Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), nhưng còn thiếu hơn 300 triệu đồng nên làm hồ sơ để vay từ gói 30.000 tỷ đồng. Quy định trước đây, anh không có hộ khẩu Hà Nội nên không được vay.

Tuy nhiên quy định mới (Thông tư 18/2013 của Bộ Xây dựng ngày 31/10), chỉ cần có bảo hiểm xã hội hơn 1 năm là được vay, chưa kịp mừng, anh Huy lại vướng vấn đề khác: “Quy định bắt buộc mình phải được lãnh đạo công ty xác nhận chưa có nhà ở, nhưng giám đốc không dám ký vì sợ phải chịu trách nhiệm. Ông bảo làm sao biết mình có nhà ở Hà Nội thực sự hay không nên chỉ ký xác nhận thu nhập”.
“Quá trình vận hành gói 30.000 tỷ tiềm ẩn quá nhiều bất cập, nếu không có thay đổi sẽ mất khả năng phát huy tác dụng”

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
 

Không xin được xác nhận về tình trạng nhà ở của công ty, giờ anh Huy phải đợi thêm một thời gian để chuyển hộ khẩu về Hà Nội, sau đó xin xác nhận của phường tiếp tục hoàn thiện hồ sơ vay ngân hàng. “Quy định mới, phường chỉ phải ký xác nhận mình chưa có nhà trên đơn cam kết. Họ không phải chịu trách nhiệm về kê khai của mình đúng hay sai nên sẽ dễ hơn”, anh Huy hy vọng.

Trong khi đó, anh Lê Văn Tuấn, đang làm việc cho một cơ quan nhà nước ở TP Thanh Hóa kể, sau khi biết có gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 6%/năm, cũng tìm hiểu vay để hiện thực hóa ước mơ có nhà, nhưng đã thất vọng.

“Quy định phải có hợp đồng mua nhà ký với chủ đầu tư, mới được xem xét cho vay, nhưng khi đi tìm nhà để mua lại không có. Từ 2 năm nay trên địa bàn chưa có thêm dự án mới, còn các dự án cũ đều đã bán qua tay vài người nên không đủ điều kiện vay”, anh Tuấn nói. Giờ những người như anh Tuấn phải đợi khi nào có dự án, lúc đó mới hy vọng vay gói 30.000 tỷ đồng.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, hiện quy định của Bộ Xây dựng chỉ cho các dự án nhà ở xã hội được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.

“Để được vay, các doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp. Trong khi phần lớn doanh nghiệp hiện đều có nợ xấu, hoặc tài sản đã thế chấp nên không được vay”, ông Châu nói.

Việc thế chấp chính căn nhà hình thành từ vốn vay cũng đang ở dạng nghiên cứu quy định. Ngoài ra, theo vị Chủ tịch Hiệp hội này, hiện có nhiều dự án nhà ở thương mại quy mô căn hộ vừa và nhỏ (diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng) phải dừng vì thiếu vốn, nhưng không thuộc diện được vay gói hỗ trợ lãi suất, dù đã hoàn thành 60-70% khối lượng xây dựng.

Ông Châu dẫn chứng một dự án chung cư trên đường Trịnh Đình Trọng (quận Tân Phú, TPHCM, của Cty CPĐT Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584) với hơn 400 căn hộ diện tích dưới 70m2, đã hoàn thành tới 85% khối lượng xây dựng. “Lãnh đạo công ty nói rằng chỉ cần được vay thêm vốn từ gói 30.000 tỷ đồng trong vòng 6 tháng sẽ hoàn thiện và giao nhà cho người dân. Tuy nhiên, do quy định dự án chưa hoàn thiện nên không thuộc diện được vay”, ông Châu nói.

Kỳ vọng và thất vọng

Theo Ngân hàng Nhà nước, tới ngày 30/11, gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng các ngân hàng đã cam kết cho 1.256 khách hàng vay với tổng số tiền 1.562 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được hơn 470 tỷ đồng (1,6%).

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, kết quả giải ngân trên là quá thấp, đóng góp rất ít trong giải quyết khó khăn của bất động sản; không như kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và ngân hàng (thị trường bất động sản phục hồi sẽ giúp giảm nợ xấu).

“Lẽ ra phần 21.000 tỷ đồng (70%) phải nhanh chóng giải ngân cho người dân vay mua nhà để kích thích thị trường”, ông Châu nói. Theo ông, việc chậm trễ là do các bộ ngành và địa phương triển khai quá chậm. Đặc biệt là các quy định điều kiện cho vay, khi vướng mắc lại chậm giải quyết.

Như trong Thông tư 18, dù bỏ được quy định chính quyền địa phương chịu trách nhiệm xác nhận người chưa có nhà, nhưng lại “mọc” ra quy định với người lao động (không có hộ khẩu tại nơi mua nhà) phải có xác nhận của cơ quan (là chưa có nhà). “Điều này làm cho các cơ quan ngại xác nhận, tôi cũng không rõ sao Bộ Xây dựng lại quy định như vậy, trong khi công nhân viên là người vay chính”, ông Châu nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nói, thị trường cần gói 30.000 tỷ đồng để thay đổi trạng thái bất động sản, nhưng nó không làm được điều đó. “Quá trình vận hành gói 30.000 tỷ đồng tiềm ẩn quá nhiều bất cập, nếu không có thay đổi sẽ mất khả năng phát huy tác dụng”, ông Thành cảnh báo. Ngoài ra, đang có mâu thuẫn khi mục tiêu là người thu nhập thấp muốn vay sẽ được vay, nhưng quy định rõ buộc dòng tín dụng “an toàn” (an toàn ở mức không thể vay được).

Ngoài ra, nhà ở xã hội đã có quy định người sở hữu không được mua bán tự do (muốn bán phải trả lại chủ đầu tư và chỉ chủ đầu tư được bán cho người khác). Do đó, theo ông Thành, không nhất thiết phải quản lý theo cơ chế cũ (chứng minh thu nhập) mà cần thiết lập cơ chế quản lý riêng biệt cho sản phẩm này, giúp quá trình giải ngân được vận hành thông suốt.

Ông Lê Hoàng Châu đề xuất: Các địa phương cần đẩy nhanh xác nhận người dân chưa có nhà, chấp thuận cho những dự án đủ điều kiện chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội; cơ cấu căn hộ lớn thành nhỏ để có nhiều sản phẩm ra thị trường; bổ sung các dự án nhà thương mại dở dang (có diện tích căn hộ nhỏ, giá rẻ) cũng được vay vốn để hoàn thiện; từ đó giải quyết hàng tồn kho, giảm nợ xấu.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong