Phần đất dài 150 m ở gần cầu Bình Lợi (phía Bình Thạnh) đã được giải tỏa nhưng nhà thầu |
Khởi công từ tháng 6-2008 nhưng đến nay tuyến đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài vẫn chưa thi công được đoạn nào, ngoài hạng mục cầu Bình Lợi mới nhờ không phải giải tỏa mặt bằng, mặc dù tiền đền bù giải tỏa phía nhà thầu đã chuyển giao cho bên liên quan 120 triệu USD.
Động thổ nhưng chưa động đậy
Ông Chung-Hee Lim, Phó Chủ tịch Điều hành cấp cao bộ phận kinh doanh tại VN của Công ty Kỹ thuật và xây dựng GS (GS E&C – Hàn Quốc) - nhà thầu thi công tuyến đường, cho biết lý do nhà thầu chưa thể triển khai thi công tuyến đường vì chưa có mặt bằng.
Riêng một số nơi đã giao đất nhưng chưa xử lý phần công trình ngầm (cáp quang, ống cấp nước...) nên nhà thầu không thể thi công, nếu làm thì phải cắt điện nước, người dân quanh khu vực sẽ không có để sử dụng. Tính đến nay, nhà thầu chỉ mới được bàn giao khoảng 300 m đất ở hai đầu cầu Bình Lợi.
Riêng việc tổ chức thi công, ông Chung-Hee Lim cũng tỏ ra quan ngại với đoạn đường đi qua quận Thủ Đức (bắt đầu từ cầu Bình Lợi đến ngã tư Xuân Hiệp) vì đất ở khu vực này rất yếu nên cần phải có thời gian gia tải, do đó đoạn này phải thi công trong 48 tháng mới xong.
Những đoạn còn lại, nếu có mặt bằng thì chỉ cần thi công hơn 2 năm. Thế nhưng đến nay, quận Thủ Đức chỉ mới có hơn 200 hộ dân bàn giao đất trong tổng số 1.352 hộ dân bị giải tỏa.
Ý thức được việc giải phóng mặt bằng khó khăn, nhà thầu đã chủ động chia dự án thành nhiều đoạn để thi công, trong đó ưu tiên thi công đoạn đường bắt đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất đến cầu Bình Lợi (dài khoảng 5 km), đi qua quận Tân Bình, Gò Vấp và Bình Thạnh. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có quận Bình Thạnh chuẩn bị giao một phần mặt bằng ít ỏi cho nhà thầu, còn hai quận kia vẫn chưa biết khi nào bàn giao dứt điểm.
Mỗi nơi khổ mỗi kiểu!
Ban đầu cũng gặp khó khăn về nền đất và quỹ nhà tái định cư nhưng đến nay quận Thủ Đức đã có hướng ra cho những thiếu thốn trên. Bà Bùi Thị Rạng, Phó Ban Bồi thường và Giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức, cho biết bên cạnh “điểm nóng” cây xăng nằm ở ngã tư Bình Triệu, khu nhà số 97 đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh cũng là nơi gây “đau đầu” cho những người làm công tác bồi thường.
Khoảng 30 hộ dân này đã tái định cư về khu nhà số 97, nay lại phải giải tỏa một lần nữa nên người dân yêu cầu phải được tái định cư trong căn nhà tương tự với nhà đang ở, thậm chí có hộ dân còn đòi bồi thường bằng... vàng mới chịu!
Riêng hai ngôi chùa Long Nhiễu và Quan Âm cũng không chịu phương án đền bù. Còn một số hộ dân ở phường Hiệp Bình Chánh gần cầu Bình Lợi thì không chịu giá đền bù khi so sánh với phần đất ở quận Bình Thạnh nên người dân cứ cù cưa giá cả.
Quận Tân Bình lại khổ theo kiểu khác. Mặc dù chỉ giải tỏa ở ba tuyến đường Hồng Hà, Yên Thế và Bạch Đằng nhưng hết sức khó khăn vì 100% đất giải tỏa của tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài có nguồn gốc quân đội.
Ông Đặng Sĩ Nghị, tổ trưởng tổ nghiệp vụ bồi thường Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận Tân Bình, cho biết hiện trong 284 trường hợp phải giải tỏa đã có 145 trường hợp bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, những cơ quan, đơn vị và những hộ dân còn lại rất khó thương lượng.
Ông Châu Văn La, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, tỏ ra ngán ngẩm với 29 trường hợp bất hợp tác ở tổ dân phố 82 và 89 nằm trên đường Yên Thế và Bạch Đằng. Để giải quyết, ông La khẳng định trong tháng 8-2009, quận sẽ cưỡng chế kiểm kê đối với những hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa giao mặt bằng và 22 hộ dân bất hợp tác.
Riêng 3 cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, quận Tân Bình đang chuẩn bị làm văn bản gửi cho Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ nhờ can thiệp theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân.
Cùng với quận Tân Bình, quận Gò Vấp cũng sẽ tiến hành kiểm kê bắt buộc, cưỡng chế đo vẽ đối với một số hộ dân không hợp tác. Đến nay, quận Gò Vấp có khoảng 400 hộ bàn giao mặt bằng trong tổng số 1.264 hộ dân bị giải tỏa.
Phải dứt điểm trong năm 2009
Đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài có tổng vốn đầu tư 340 triệu USD. Đường rộng từ 30 m – 65 m (từ 6 – 12 làn xe), dài 13,7 km đi qua quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức với gần 4.000 hộ dân bị giải tỏa, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012. Tuyến đường có vai trò liên kết Đông - Tây, nối kết các KCN, sân bay và cảng biển, giảm áp lực lưu thông cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa có văn bản chỉ đạo quận Thủ Đức phải bảo đảm bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 30-11; quận Bình Thạnh trước ngày 31-8; quận Gò Vấp trước ngày 30-9 và quận Tân Bình trước ngày 31-10.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động