Suốt 8 năm kể từ khi thông xe đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào năm 2010, việc triển khai xây các đoạn cao tốc nối với Cần Thơ vẫn ì ạch. Dự kiến đến năm 2021, tuyến đường cao tốc này mới kết nối tới Cần Thơ.
Đổ trụ bêtông dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
|
Nếu được Thủ tướng chấp thuận gia hạn thời gian cho nhà đầu tư ký hợp đồng vay vốn ngân hàng vào cuối tháng 5-2018 thì trong tháng 6 nhà đầu tư sẽ triển khai thi công ồ ạt Ông TRẦN VĂN THI (tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) |
Nhưng với những ì ạch còn đang diễn ra với cao tốc này, e là đường về miền Tây - vựa lúa, vựa cây trái và tôm cá của quốc gia - vẫn còn mờ mịt.
Bầm giập đủ thứ: vốn, thiết kế...
Dự án đường cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài gần 54km đã khởi công năm 2009 và đình trệ đến năm 2012 thì dừng hẳn vì nhà đầu tư rút khỏi dự án (đồ họa).
Đến năm 2015 dự án được khởi công lại với liên danh 6 nhà đầu tư mới. Thế nhưng trong suốt 3 năm qua dự án vẫn loay hoay với thủ tục vay vốn ngân hàng nên đến nay mới thi công khoảng 3% khối lượng công trình, dù công trình đã chi 1.270 tỉ đồng đền bù giải tỏa đạt đến 97% khối lượng.
Về những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, ông Phan Anh Dũng, giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết năm 2016, nhà đầu tư nhận thấy nếu thiết kế đường cao tốc chỉ rộng 13,75m cho 2 làn xe lưu thông mà không có dải phân cách sẽ không bảo đảm an toàn và nguy cơ tai nạn rất cao như đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Vì vậy trong năm 2016, Bộ GTVT đã đề nghị tạm dừng thi công để điều chỉnh thiết kế. Đến tháng 6-2017, Bộ GTVT mới phê duyệt thiết kế điều chỉnh dự án đầu tư giai đoạn 1, mở rộng đường cao tốc lên 17m cho 4 làn xe lưu thông.
Đồ họa: N.KHANH
|
Gói thầu dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là nơi hiếm hoi có công nhân thi công - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Nhiều đoạn của dự án cỏ mọc phủ cả máy móc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
|
Chính phủ gỡ rối
Thông tư 75 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 5-9-2017 quy định đối với các hợp đồng BOT (đã ký trước đó) phải điều chỉnh lãi suất trái phiếu lên 1,5 lần. Ông Phan Anh Dũng cho rằng việc áp dụng trái phiếu chính phủ với lãi suất 1,3 lần là phù hợp vì dự án đã ký hợp đồng BOT.
Từ những vướng mắc ở dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án Bắc Giang - Lạng Sơn về xác định lãi suất vay ngân hàng, đầu năm 2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản giao Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi bổ sung một số nội dung các thông tư về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Đồng thời mới đây Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất sớm sửa đổi thông tư 75 và chấp thuận cho gia hạn thời gian nhà đầu tư ký hợp đồng vay vốn ngân hàng hạn chót vào 31-5-2018, vì nếu không dự án sẽ đổ vỡ.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Công trường hiu hắt
Ông Trần Văn Bon, giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang, cho biết hiện địa phương đã bàn giao 49,3/51,1km mặt bằng đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang để thi công tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Trái ngược với tiến độ giải phóng mặt bằng sắp hoàn thành, việc thi công dự án này lại diễn ra khá rời rạc, cầm chừng. Hầu hết các gói thầu vắng bóng công nhân hoặc chỉ lác đác vài công nhân đang sửa chữa máy móc.
Riêng gói thầu giáp với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), trong ngày 30-3 có khoảng 20 công nhân, kỹ sư làm việc: đổ trụ bêtông làm đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện hữu.
Càng đi dọc về hướng Cần Thơ, trên các công trường của các gói thầu thuộc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận càng vắng bóng công nhân.
Đoạn thi công cầu vượt đoạn qua xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành có khoảng 10 công nhân đang sửa chữa máy móc, nối ống bơm cát... Đoạn đi qua kênh Sáu Ầu, ấp Long Hòa B, xã Long Định, huyện Châu Thành từ sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Máy móc để trên công trình lâu ngày đã bị gỉ sét, cỏ dại mọc bao quanh.
Hai bên sông Ba Rài đoạn qua P.3, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, gói thầu XL-05 xây dựng cầu Cai Lậy cũng trong tình trạng tương tự: máy móc, thiết bị nằm im lìm, không một bóng công nhân dù đang trong giờ làm việc.
* PGS.TS NGUYỄN VĂN SÁNH (viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL):
Ảnh hưởng lớn đến phát triển ĐBSCL
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận càng chậm trễ càng ảnh hưởng lớn đến ĐBSCL.
Một là khiến chi phí vận tải của người dân, doanh nghiệp tăng lên.
Hai là việc lưu thông hàng hóa, di chuyển tốn quỹ thời gian, mà tốn thời gian là gây ra tổn thất lớn cho xã hội bởi quốc lộ 1 hiện nay không đáp ứng, thường xuyên kẹt xe.
Ba là sẽ làm chậm trễ trong việc phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Bốn là khó phát huy tốt hai công trình quan trọng là cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ.
Lẽ ra đường cao tốc từ Trung Lương tới Cần Thơ phải được làm xong lâu rồi, 13 tỉnh thành trong vùng đã chờ đợi rất lâu. Tuyến cao tốc này càng đóng vai trò lớn trong bối cảnh toàn vùng rất khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực.
Chính vì tầm quan trọng này mà vừa rồi tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long (ngày 27-3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến đề nghị làm nhanh tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ và nghiên cứu tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
* Ông PHẠM ANH TUẤN (phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang):
Khó giải thích với dân
Tiến độ thi công đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đã từng chậm trong khâu giải ngân để giải phóng mặt bằng.
Khi đó tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ xem xét sớm giải ngân để tỉnh giải tỏa mặt bằng và cuối cùng các cơ quan hữu quan đã chỉ đạo nhà đầu tư xuất kinh phí nên mặt bằng đã được giải tỏa hơn 90%.
Đặc biệt, các công trình, dự án của tỉnh dự kiến kết nối với đường cao tốc cũng bị động theo, gây khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch chung của tỉnh.
Giờ đây thi công chậm ngày nào sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân ngày nấy. Khi người dân phản ảnh thì địa phương rất khó giải thích, rất khó cho chúng tôi.