Việc cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam được xem là cơ hội mở rộng cánh cửa kinh doanh bất động sản cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được hy vọng sẽ thúc đẩy thị trường phân khúc nhà cao cấp. |
Tại TPHCM, sau ngày 1/7, khi Luật Nhà ở 2014 cho phép người nước ngoài được mua nhà và sở hữu nhà tại Việt Nam chính thức có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp đã tung ra các chương trình bán hàng cho các đối tượng khách hàng mới này. Cụ thể, vào ngày 1/7, Công ty Địa ốc Novaland đã cho ra mắt chương trình đặc biệt “100 căn hộ đầu tiên chào đón Kiều bào và người nước ngoài”. Đây được xem là một trong những bước đi tiên phong của doanh nghiệp địa ốc TPHCM trong việc tiếp cận đối tượng khách hàng nước ngoài.
Tương tự Novaland, Tập đoàn Vingroup cũng “nhanh tay” tổ chức chương trình giới thiệu dự án Vinhomes Central Park đến với người nước ngoài tại hai thành phố Hà Nội và TPHCM. Nguồn tin từ Tập đoàn Vingroup cho biết, có hơn 400 khách nước ngoài và Việt kiều từ Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc… đã đến dự lễ giới thiệu và kết quả là 112 căn hộ cao cấp tại dự án này đã được đặt mua.
Theo ghi nhận thị trường, phần lớn khách hàng nước ngoài có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam đều tỏ ra hào hứng và ủng hộ quy định mới trên. Họ cho rằng, quy định này của Việt Nam là phù hợp với xu hướng của quốc tế, giúp Việt Nam hội nhập sâu với với thế giới đồng thời, thu hút được nhiều hơn nữa người nước ngoài đến sống và làm việc tại Việt Nam.
Theo GS Đặng Hùng Võ, việc mở rộng cửa cho Việt kiều, người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam sẽ tạo niềm tin cho họ vào thị trường bất động sản Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện phát triển phân khúc bất động sản cao cấp trong nước. GS Đặng Hùng Võ nhận định, ngoài nhu cầu mua nhà để ở của một số người có nguyện vọng sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam thì một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào phân khúc nhà cao cấp vì họ cho rằng, phân khúc này có triển vọng đóng vai trò thương mại nhiều hơn để ở, như chuyển nhượng cho người có nhu cầu nghỉ dưỡng gắn liền với hệ thống các khu du lịch, vui chơi, giải trí.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, chính sách trên sẽ thu hút một lượng lớn kiều hối đổ vào bất động sản. Ông Neil Macgregor, Tổng giám đốc Điều hành Công ty Savills Việt Nam phân tích, nhìn lại trong quá khứ, sự tăng vọt trong giao dịch kiều hối được ghi nhận ở thời điểm đầu những năm 2000. Lý do chính là bởi thế hệ di cư đầu tiên đã bắt đầu làm ăn phát đạt hơn tại các nước nhập cư của mình.
Theo ông Neil Macgregor, Việt Nam hiện là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, đóng góp nhiều vào GDP. Năm 2014, tổng kiều hối khoảng 12,5 tỷ đô la Mỹ, với hơn 4 triệu lượt giao dịch. Trong đó, đầu tư bất động sản trực tiếp chiếm một tỷ lệ lớn khoảng 17% đến 20% tổng lượng kiều hối.
Lợi ích là vậy nhưng hiện nay, khi triển khai quy định mới này, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, theo dự thảo của nghị định quy định chi tiết Luật Nhà ở 2014 thì người nước ngoài có thời hạn sở hữu nhà tối đa không quá 50 năm nhưng khi bán cho một tổ chức, cá nhân nước ngoài khác tại Việt Nam thì bên mua chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn còn lại. Theo ông Lê Hoàng Châu, quy định này chưa hợp lý, mà nên cho phép bên mua tiếp tục được sở hữu nhà trong thời hạn tối đa không quá 50 năm.
Cũng theo Luật Nhà ở 2014, người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc không quá 250 căn đối với nhà ở riêng lẻ trong một khu dân cư, tương đương một đơn vị hành chính cấp phường. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho một số dự án tốt nằm ở những khu vực có đông đảo người nước ngoài sinh sống như khu Phú Mỹ Hưng ở quận 7 hay khu Thảo Điền ở quận 2.
Với những vướng mặc trên, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, trong thời gian tới, những quy định liên quan đến quyền mua và sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam cần được thay đổi, bổ sung sao cho hợp lý hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Chính phủ