Theo số liệu điều tra về hộ gia đình và nhà ở của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện vẫn có tới 1,6 triệu chỗ ở tạm bợ, 0,5 triệu căn hộ nhỏ hơn 15m2 tại đô thị, 1,5 triệu căn nhà đơn sơ tại nông thôn.
Cũng theo số liệu điều tra năm 2009 của Bộ Xây dựng, tại đô thị có 4.750 hộ không có nhà ở, tại nông thôn, con số này cũng lên tới 7.897 hộ.
Nguyên nhân gây nên tình cảnh này là do sự tăng giá phi mã của nhà ở. Chỉ tính trong vòng 20 năm trở lại đây, sau 3 lần sốt giá 1991-1993, 2001-2003, 2007-2008 đã đẩy giá nhà đất tăng lên hơn 100 lần so với giá năm 1990. Trong khi đó thu nhập trung bình của lao động Việt Nam vẫn ở nhóm rất thấp trên thế giới. Vào thời điểm hiện nay, những người thu nhập thấp dù có thể tiết kiệm được 30% thu nhập để mua nhà ở thì sau 75 năm làm việc mới có thể nghĩ tới việc sở hữu một căn nhà ở! Trong 10 năm từ 2000-2009, mặc dù diện tích nhà ở cả nước đã tăng thêm khoảng 706 triệu mét vuông, gấp 10 lần so với giai đoạn 10 năm trước, song do giá nhà bị đẩy lên phi mã, nên số người có nhu cầu ở thật sự vẫn khó tiếp cận.
Vì thế việc trả lại giá trị sử dụng cho nhà đất, kìm giữ giá nhà đất tương đương với mức thu nhập của người dân là một đích mà Chính phủ cần nhắm tới hiện nay. Theo các chuyên gia, vào thời điểm này, Nhà nước cần có những chính sách “bẻ ghi” thị trường vào phân khúc nhà giá thấp, cũng như hỗ trợ xây dựng các khu nhà chung cư, nhà cho người thu nhập thấp, cho mua trả góp hoặc cho thuê dài hạn để giải quyết nhu cầu an cư của người dân, đồng thời giúp nhà đất dần trở lại giá trị thực.
Cũng theo các chuyên gia, nếu Nhà nước có những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai... hướng nhà đầu tư tập trung vào phát triển nhà chung cư, nhà cho thuê giá rẻ, phấn đấu đầu tư xây dựng mới nhà ở mỗi năm khoảng 100 triệu mét vuông sàn và dành khoảng 20% cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị sẽ dần dần đáp ứng được nhà ở cho một bộ phận xã hội có nhu cầu thật. Đây còn là cách “phá băng” cho thị trường BĐS nặng tính đầu cơ hiện nay thành một thị trường lành mạnh. Làm được điều này sẽ mở ra hy vọng dù mong manh về cơ hội “an cư lạc nghiệp” của người lao động hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động