Trước tình hình mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phức tạp, UBND huyện Củ Chi ban hành một văn bản gây nhiều khó khăn cho người dân
Không nằm ngoài vòng xoáy của cơn sốt đất cuối năm 2007, huyện Củ Chi - TPHCM đã trở thành vùng đất béo bở để các cò đất mặc sức tung hoành, gây rối cho địa phương trong việc quản lý. Trong khi đó, những người có nhu cầu nhà ở lại gặp không ít khó khăn.
Tái diễn “dịch” phân lô bán nền
Trưa 12-3, vừa dừng xe trước tấm bảng “Mua bán đất - bao sổ đỏ” gần đình Tân Thạnh Đông, xã Tân Thạnh Đông, chúng tôi liền bị một nhóm cò vây quanh giới thiệu đủ chủng loại đất, kèm theo lời hứa chắc nịch: Bảo đảm có ngay sổ đỏ!
Biết chúng tôi chọn một nền đất để xây nhà ở, các cò liền dẫn đến hàng loạt nền đất có vẻ vừa được san lấp bên cạnh bãi tha ma. Chỉ vào một miếng đất phân lô diện tích 5 m x 23 m, các cò khẳng định đây là đất vườn và ra giá 195 triệu đồng, kỳ kèo: “Nếu muốn chuyển thành đất thổ cư, tụi này sẽ nhận lo luôn, giá cả thương lượng”.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ chưa hài lòng, các cò dẫn đến một khoảnh đất được phân thành nhiều lô nằm trong một con hẻm đất đỏ trên đường Bến Than. Một cò tiết lộ: Khu đất này của ông H. Từ miếng đất vườn phía sau chuồng bò có diện tích khoảng 4.000 m2, ông H. đã nhanh chóng san lấp, làm đường nội bộ, lắp đặt cống thoát nước... rồi phân nhiều lô 5 m x 20 m, sau đó nhượng lại với giá từ 100 - 130 triệu đồng/lô.
Khi chúng tôi hỏi về giấy tờ, các cò khẳng định: “Cứ đặt cọc, đưa 80% tiền, 4 tháng sau sẽ có giấy đỏ chính chủ. Sau đó cứ xây nhà, đóng phạt là đủ”. Thấy chúng tôi ngần ngại, một cò nói: “Nếu các anh muốn chuyển từ đất vườn lên đất ở thì cứ ra xã làm thủ tục, đóng 300.000 đồng/m2 là xong!”.
Đi một vòng tìm hiểu tình hình mua bán đất tại Củ Chi, chúng tôi được người dân khuyên: Việc làm giấy tờ nhà, đất không hề dễ dàng như lời cò đất, vì huyện đã “đóng cửa” nhiều trường hợp chuyển nhượng từ nhiều tháng nay. Hơn nữa, chúng tôi biết rằng từ năm 2002, UBND TPHCM đã có lệnh cấm phân lô bán nền, nên chắc chắn những trường hợp này không thể làm ra được giấy tờ cho người mua.
Ngăn sông, cấm chợ
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Củ Chi, thời gian qua, tình hình mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại đây diễn biến khá phức tạp, có dấu hiệu đầu cơ đất. Hằng ngày bình quân có trên 150 hồ sơ chuyển nhượng đất đai.
Trước tình hình này, ngày 26-12-2007, UBND huyện Củ Chi đã ban hành văn bản số 3264 về tăng cường quản lý sử dụng đất tại huyện. Theo một số cán bộ địa phương, đây được xem là liệu pháp mạnh để cắt cơn sốt đất ở Củ Chi, nhưng gây bức xúc nhiều cho người dân. Thậm chí có người còn cho rằng việc làm này đã quay lại thời kỳ “ngăn sông, cấm chợ”.
Một quy định gây nhiều bức xúc cho người dân, đó là việc “tạm thời không giải quyết hồ sơ mua bán, chuyển nhượng đối với người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất ở và đất nông nghiệp) có nguồn gốc từ chuyển nhượng mà quá trình sử dụng đất dưới 12 tháng liền”.
Theo UBND huyện Củ Chi, do “các trường hợp này có biểu hiện mua bán để hưởng chênh lệch giá, gây biến động giá đất và ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội của địa phương”. Ông Nguyễn H., ngụ xã Tân Thạnh Đông, phản ứng: “Khi chuyển nhượng, người dân đều đóng thuế và các khoản nghĩa vụ tài chính đầy đủ cho Nhà nước. Luật cũng không cấm, vậy huyện căn cứ vào đâu để tự đưa ra quy định như vậy?”.
Quy định nêu trên đã gây khổ sở cho nhiều người: Nhiều hồ sơ chuyển nhượng đất bị ngưng trệ; các gia đình có nhu cầu bán lại đất để lo việc khác bị ảnh hưởng; đất đai bị đóng băng... Mặt khác, quy định này có thể gây ra tình trạng mua bán đất bằng giấy tay, từ đó nảy sinh những vụ kiện, khiếu nại, tranh chấp, thậm chí trốn thuế... như đã từng xảy ra.
Có dấu hiệu sai Luật Đất đai năm 2003
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, “lệnh ngưng cho chuyển nhượng đất” của huyện Củ Chi có dấu hiệu sai Luật Đất đai năm 2003. Có lẽ nhận ra việc làm sai này, một lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết đã chỉ đạo rút lại văn bản số 3264. Tuy nhiên, đến chiều 12-3, người dân địa phương cho biết quy định tréo ngoe này vẫn chưa được tháo bỏ.