Hút vốn vàng, ngoại tệ, sang thị trường BĐS

Cập nhật 12/09/2011 09:10

Cần xây dựng cơ chế và chính sách để thu hút và đa dạng hóa các nguồn lực của xã hội (từ DN, hộ gia đình) để khai thông các nguồn vốn trong dân, tạo kênh dầu tư các nguồn tiền nhàn rỗi, như vốn kinh doanh vàng miếng, ngoại tệ, sang thị trường BĐS, từ đó sẽ có một nguồn tài chính dài hạn thay thế đáng kể nguồn vốn tín dụng ngắn hạn của ngân hàng.

TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra đề xuất này như một giải pháp thực tế giúp thị trường bất động sản (BĐS) vượt qua những khó khăn hiện tại với sự tham gia của cả Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân.


TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, việc huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường BĐS nói chung là rất cần. Về lâu dài, cần hình thành các hình thức tín dụng phát triển nhà ở như quỹ tiết kiệm để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà hoặc quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn cho thị trường.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, DN kinh doanh BĐS cần điều chỉnh cơ cấu kinh doanh, hướng mạnh vào phân khúc thị trường có khả năng thanh toán như: Phân khúc căn hộ bình dân bởi đây là phân khúc sẽ tạo được sức hút lớn cho thị trường bởi sức cầu mạnh và mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu thật của thị trường. Ðiều này sẽ rút ngắn khoảng cách cung - cầu chưa tương xứng hiện nay. Với văn phòng cho thuê cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và tiện ích đồng bộ của ngôi nhà (bãi giữ xe, tiết kiệm năng lượng, an ninh, trật tự và phòng chống cháy nổ...).

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thị trường sẽ cạnh tranh tương đối khốc liệt với nhiều sản phẩm mới, tiến độ xây dựng nhanh cùng các chính sách bán hàng có nhiều ưu đãi. Cạnh tranh về giá sẽ vẫn là công cụ quan trọng nhất mà các DN cần hướng tới. Do vậy, các DN cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, áp dụng công nghệ tiên tiến và sử dụng vật liệu mới, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành sản phầm, qua đó có thể cạnh tranh về giá, về chất lượng, về sự khác biệt và sự phù hợp của sản phẩm với nhu cầu của người tiêu dùng.

TS Lê Xuân Nghĩa nêu rõ, hiện nay còn tồn tại nhiều thách thức cho sự phát triển của thị trường BĐS như tình hình tăng dân số cơ học ngày càng cao, hạ tầng kỹ thuật, giao thông huyết mạch, còn yếu, quy hoạch chắp và, quản lý vĩ mô và điều hành đô thị chưa hoàn thiện. Vì vậy, về lâu dài cần có biện pháp tổng thể từ phân vùng, quy hoạch đến đầu tư phát triển thị trường BĐS, nhằm tạo lập tính ổn định và minh bạch của thị trường, nhất là khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường này và tỉ trọng đầu tư vào thị trường BĐS sẽ ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội.

Cần hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý đất đai từ Trung ương đến địa phương, tăng cường năng lực cho bộ máy tổ chức và cán bộ quản lý nhà nước về đất đai. Tăng cường thực thi các công cụ giám sát để thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật. Xây dựng chế tài xử phạt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật của Nhà nước về đất đai và quản lý đất đai.

Mặt khác, tăng cường quản lý rủi ro và kiểm soát hiệu quả dòng tín dụng vào BĐS là việc cần thiết. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ nhưng cần điều chỉnh linh hoạt tỉ trọng cho vay đối với từng khoản tín dụng BĐS cũng như các dự án BĐS. Tín dụng phục vụ cho xây dụng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị.. là các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng thực cho nền kinh tế.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khi phân định những ngành này thuộc tín dụng phi sản xuất và hạn chế nguồn vốn tín dụng đã làm thị trường BĐS, thị trường vật liệu xây dựng đình đốn. Các DN ngành công nghiệp (sắt, thép, xi măng, đồ nội thất, thiết bị điện, điện tử,..) có lượng hàng tồn kho ở mức cao và tiếp tục có xu hướng tăng. Điều này gây khó khăn lớn cho DN và lãng phí chung cho toàn xã hội nếu các dự án này đang thực hiện dang dở song dòng vốn tín dụng lại bị chặn bởi chính sách tiền tệ thắt chặt.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, việc thực hiện chính sách tiền tệ được thắt chặt và nới lỏng quá mức (phân bổ không đều) đã tác động xấu lên chất lượng tăng trưởng tín dụng nói chung và tín dụng BĐS nói riêng, làm cho các nhà đầu tư không thể thay đổi kịp phương án kinh doanh hợp lý. Tình trạng này nếu kéo dài lâu mà không sớm được khắc phục thì lượng vốn đầu tư vào BĐS, kể cả đầu tư vào cung và cầu đều có thể trở thành nợ xấu và khó thu hồi...

TS Lê Xuân Nghĩa cũng đưa ra dẫn chứng: Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, nợ xấu BĐS tăng 37% (tương đương 1.766 tỷ đồng) so với 31/12/2010. Trên toàn hệ thống, dư nợ BĐS chiếm gần 10% (tương đương 245 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ này khá cao so với một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa thì đây chỉ là con số thống kê, trên thực tế con số này còn có thể cao hơn bởi nhiều khoản vay tiêu dùng cũng được sử dụng đầu tư BĐS. Tỷ lệ nợ xấu BĐS chiếm khoảng 3%, trong đó 50% là nợ nhóm 5 (có nguy cơ mất cả gốc lẫn lãi). Tỷ lệ cho vay BĐS cao chủ yếu ở các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ, nhiều ngân hàng thương mại có dư nợ BĐS chiếm 30 - 40% tổng dư nợ...

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn