Hướng gỡ khó cho bất động sản

Cập nhật 29/01/2015 13:16

Phát triển nhà ở xã hội vẫn là một hướng đi chủ yếu nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS trong năm 2015.

Những ngày gần Tết Nguyên đán, lượng người dân tìm đến Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera để hỏi mua nhà ở xã hội càng nhiều. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn (Long Biên, Hà Nội) cho biết, ông và nhiều bạn bè đã đăng ký mua nhà ở xã hội của Viglacera, vì thấy môi trường ở đó tốt và phù hợp với điều kiện kinh tế. Nhưng khi đến đăng ký của nhà ở xã hội thì được trả lời là đã hết nhà.

Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) của Viglacera đã hoàn thiện 2 giai đoạn và đưa vào sử dụng 2.000 căn hộ. Giai đoạn 3, Viglacera đã xây dựng khoảng 1.500 căn hộ để ở và cho thuê. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn mở bán, DN này đã bán hết và đang chuẩn bị những bước cuối cùng để bàn giao nhà cho người dân trước Tết Nguyên đán 2015. Do đó, Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm - Hà Nội) hiện không còn căn nào.

Dự án nhà ở xã hội Viglacera

“Hầu hết người dân đều ra về trong tâm trạng thất vọng, bởi tất cả nhà ở xã hội ở đây đều đã bán hết, chỉ còn rất ít căn hộ cho thuê… mà cũng gần hết”, đại diện Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera cho hay. Dự kiến giá cho thuê là 30.000 đồng/m2/tháng và phí dịch vụ khoảng 2.000 đồng/m2/tháng, rẻ hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay, nên được nhiều người “săn lùng”.

Tương tự, nhiều dự án nhà ở xã hội cũng trong tình trạng hết hàng chứ không chỉ riêng tại Viglacera. Như dự án nhà ở xã hội Ecohome 1 tại Khu đô thị Chèm - Bắc Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) của CTCP Đầu tư và thương mại Thủ Đô cũng chuyển nhượng hết sạch các căn hộ, ngay sau khi mở bán…

Phát triển nguồn cung nhà ở xã hội có lẽ là vấn đề “đau đầu” nhất đối với các bộ, ngành liên quan trong năm qua. Chính sách đã có, nguồn tài chính cho chương trình này cũng được ngân hàng “mở lối”, như gói tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng. Tuy thế, lượng nhà ở xã hội vẫn đuối, còn xa mới đáp ứng được nhu cầu.

Ước tính, cả nước hiện cần hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó riêng Hà Nội cần khoảng 115.000 căn và TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 130.000 căn. Trong các năm gần đây, Hà Nội đã hoàn thành 9 dự án nhà ở xã hội, với gần 6.000 căn hộ được đưa vào sử dụng. Nhưng ngay cả “tính cua trong lỗ” phần nguồn cung căn hộ tương lai thì cũng sẽ khó đáp ứng nổi con số 115.000 căn nhu cầu thực tế.

Khó khăn do thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội có nguyên nhân từ lượng dự án phân khúc này rất ít. Như ở Hà Nội chỉ có vài ba dự án mới, đang trong giai đoạn bắt đầu triển khai, hoặc mới chỉ có dự án mà triển khai chưa xây dựng. Do đó, nguồn cung ít khiến cho cơ hội lựa chọn không nhiều và việc tiếp cận cũng khó khăn hơn, do người mua nhà ở xã hội phải có những tiêu chí nhất định.

Nhu cầu cao trong khi nguồn cung ít, khó tiếp cận nhà ở xã hội nên một số dự án thường để những suất “ngoại giao”, hoặc một lượng căn hộ nhất định để bán ra ngoài với giá thương mại. Điều đó càng khiến cho việc tiếp cận nhu cầu nhà ở khó khăn hơn. Có trường hợp, để mua được nhà ở xã hội thì người mua phải chi thêm tiền hoa hồng, hoặc chấp nhận mức tiền chênh khá lớn.

Thực tế, thời gian qua các cơ quan liên quan đã có nhiều giải pháp phát triển nguồn cung nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đã ban hành một loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, tác động hết sức tích cực đến thị trường nhà ở nói chung và việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng.

Nhiều DN nắm được chủ trương này và nhu cầu thị trường cũng đã chủ động chuyển đổi sản phẩm của mình từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Chỉ tính riêng Hà Nội đã có 15 dự án chủ đầu tư kiến nghị được chuyển đổi khoảng 5.500 căn hộ nhà ở thương mại thành 10.600 căn hộ nhà ở xã hội. Hà Nội cũng đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi 6 dự án, ngoài ra còn 6 dự án đang tiếp tục xem xét.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành xây dựng mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay: Năm 2015, Bộ sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các dự án nhà ở xã hội phát triển. Nhưng trên hết là vai trò của các địa phương, cần phải xây dựng được chương trình phát triển, sau đó cân đối cung - cầu về nhà ở xã hội để có một lộ trình thực hiện mục tiêu đề hàng năm và trong giai đoạn trung hạn, dài hạn.

“Phát triển nhà ở xã hội vẫn là một hướng đi chủ yếu nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS trong năm 2015. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục cụ thể hóa các giải pháp của Chính phủ, trong đó yêu cầu phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với chiến lược phát triển nhà ở”, ông Trịnh Đình Dũng chia sẻ. Ngoài ra, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương phải tạo mọi điều kiện theo đúng quy định của pháp luật để hỗ trợ cho các DN hội; hỗ trợ người dân có đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ về tín dụng ưu đãi.

Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.686 căn hộ; 64 dự án nhà ở cho công nhân, với quy mô xây dựng 20.277 căn hộ. Hiện đang tiếp tục triển khai 150 dự án, trong đó có 91 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ; 59 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ.



DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng