Nhiều nhà rường, nhà vườn có giá trị văn hóa lớn đã được cấp kinh phí tu bổ. Nỗ lực cứu các ngôi nhà cổ đang được triển khai nhiều nơi ở Huế
Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được công nhận là Di tích quốc gia vào năm 2009, là ngôi làng Đường Lâm thứ hai với 30 ngôi nhà cổ gần 200 năm, hệ thống nhà rường là hồn cốt của ngôi làng này.
Nhà cổ Phước Tích được cứu
Trải qua thời gian và chiến tranh, những ngôi nhà cổ ở đây bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống mái kèo, đòn tay, rui mè và vách tường của nhiều ngôi nhà bị đổ nát. Nhà cổ đã được xếp hạng di sản quốc gia, người dân không được tự ý trùng tu, sửa chữa nên mùa mưa bão thì chịu cảnh dột nát, lo lắng nhà sụp đổ; mùa nóng, nắng chiếu thẳng vào nhà, nóng bức.
Từ sau khi có quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc thẩm định hồ sơ tu bổ đình, miếu Thế Lại Thượng, đình Quy Lai và các hạng mục thuộc làng cổ Phước Tích, chính quyền địa phương đã nhanh chóng bắt tay vào việc để sớm cứu nhà cổ.
Những ngày này, làng Phước Tích rộn ràng tiếng đục đẽo, tiếng bào gỗ của nhóm thợ hạ giải và phục dựng nhà rường. Gia đình ông Lương Thanh Phong là một trong những hộ may mắn được hỗ trợ kinh phí tu bổ nhà đợt đầu tiên. Căn nhà của ông Phong đã được truyền qua 5 đời con cháu, ngót 200 năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. "Cuối cùng, căn nhà cũng được cứu. Gia đình tôi không còn loay hoay vá víu khi mưa bão mà còn có thể bảo tồn cho con cháu mai sau" - ông Phong vui mừng cho biết.
Tương tự, ngôi nhà rường hơn 150 năm tuổi của bà Lê Thị Hoa bị xuống cấp nghiêm trọng, phải mua tôn về nhờ người lợp lại để sống tạm, nay cũng đã được chính quyền hỗ trợ để làm lại.
Theo ông Trần Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, nhiều ngôi nhà rường của làng cổ Phước Tích xuống cấp nặng, người dân không dám ở. "Người dân rất có ý thức trong việc bảo tồn giá trị các ngôi nhà. Giờ đây, tùy theo cấp độ hư hỏng mà căn nhà sẽ được cấp số vốn hỗ trợ phù hợp. Đó là cách làm rất cấp thiết để cứu làng cổ Phước Tích" - ông Nguyên nói.
Một căn nhà rường ở làng cổ Phước Tích đang được hạ giải để tu bổ
|
Cần có chính sách mở
Theo quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong quá trình thực hiện mô hình du lịch, nhà vườn phải được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng. Nếu diện tích đất ở không bảo đảm để thực hiện mô hình homestay, chủ nhà vườn phải chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở. Điều này khó thực hiện vì đại đa số các nhà vườn tham gia đề án chỉ là đồng thừa kế hoặc được ủy quyền chăm sóc ngôi nhà chứ không có quyền quyết định trong vấn đề thủ tục, giấy tờ… Vì vậy, cần có chính sách mở đối với các nhà vườn khi đăng ký mô hình du lịch nhà vườn.