HoREA hiến kế “giải vây” dự án bị tắc nghẽn, tăng cung nhà giá rẻ

Cập nhật 17/03/2017 11:17

Gánh nặng từ tiền sự dụng đất, gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), chính sách tín dụng chưa phù hợp..., theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), là những điểm nghẽn lớn của của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường đang bị kìm hãm

Đánh giá địa ốc chưa xuất hiện các dấu hiệu bong bóng và vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng nhưng theo đánh giá của HoREA, nội tại thị trường đang tồn tại nhiều điểm nghẽn lớn đáng lo ngại cần phải giải tỏa để tránh tác động tiêu cực. Theo đó, “điểm nghẽn” lớn nhất được chỉ ra là công tác GPMB cực kỳ khó khăn dẫn đến tình trạng dự án không thể triển khai được, dẫn đến vốn của doanh nghiệp bị ứ đọng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng chệ trong thời gian dài. Hiện TPHCM có đến 500 dự án ngừng triển khai, trong đó có nhiều dự án bất động chủ yếu do vướng khâu GPMB.

Để tháo gỡ điểm nghẽn này, HoREA đề xuất cần sửa đổi, bổ sung điều 62 Luật Đất đai để xác định rõ thẩm quyền của UBND cấp tỉnh khi phê duyệt đề án quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, các khu vực chỉnh trang đô thị, các khu vực dân cư tự chỉnh trang, hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phù hợp với quy hoạch được duyệt về chỉnh trang đô thị.

Các tỉnh thành phố muốn thu hồi đất, GPMB có thể giao cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” thực hiện. Sau đó sẽ tiến hành đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo minh bạch, công bằng, hạn chế tình trạng khiếu kiện và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Các tỉnh, thành phố thực hiện thu hồi đất, GPMB cũng cần tiến hành phát triển triển sau đó tiến hành đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn NĐT đảm bảo minh bạch, công bằng, hạn chế tình trạng khiếu kiện và tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó là thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư. Mặt khác, chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường BĐS.

“Điểm nghẽn” cuối cùng là quy định hạn chế chuyển nhượng dự án BĐS nên chưa giải quyết được tình trạng khoảng 500 dự án trên địa bàn TP đang bị ngưng triển khai và đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, các “điểm nghẽn” đang kìm hãm sự phát triển của thị trường BĐS, nếu giải quyết được những nút thắt này, thị trường sẽ phát triển mạnh mẽ, gián tiếp thúc đẩy cả nền kinh tế.

Cần 1 triệu căn nhà giá rẻ

Theo số liệu thống kê của HoREA, khoảng 87% nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người nhập cư là do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư các khu nhà trọ, phòng trọ tạm bợ, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh; Dự báo nhu cầu nhà ở, trong đó phần lớn là nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn thành phố trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, diễn biến thị trường BĐS 2017 sẽ tiếp tục như năm 2016 và chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Nhưng, giai đoạn này sẽ có sự đột phá về phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội bởi nhà nước dự kiến sẽ dành nguồn lực để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với nhu cầu mua nhà ở giá 15 triệu đồng/m2 và diện tích khoảng 70m2/căn.

Ngoài ra, theo ông Nam, phân khúc cao cấp, các loại hình sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng sẽ phải điều chỉnh giảm. Khi cơ cấu sản phẩm trên thị trường được ổn định và cân đối hơn thì đó là tín hiệu mừng để tin rằng, thị trường BĐS sẽ dần ổn định vững chắc.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP