Viết tiếp loạt bài "Xử lý các công trình xây dựng không phép, sai phép tại TPHCM", chúng tôi đã phỏng vấn ông Hoàng Thọ Vinh - Vụ phó Vụ Xây lắp, Bộ Xây dựng - để làm rõ vấn đề này.
- Thưa ông, tình hình xây dựng không phép, sai phép ở TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh/TP lớn trên cả nước đang ở mức báo động. Điều đáng nói là người dân ngang nhiên thách thức luật pháp, một số nơi nhà đập đi xây lại nhiều lần, chống đối người thi hành công vụ khi bị cưỡng chế. Ý kiến của ông về thực trạng này?
- Việc quy định khi xây dựng, chủ đầu tư phải xin giấy phép xây dựng là để quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch xây dựng và các quy định có liên quan của Nhà nước nhằm tránh tình trạng xây dựng lộn xộn, tuỳ tiện, lấn chiếm đất công, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, đê điều... đồng thời tránh ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường, di tích lịch sử, văn hoá.
Tình hình thực hiện cấp phép xây dựng, cũng như quản lý trật tự xây dựng trong những năm qua đã có tiến bộ rõ rệt. Số công trình xây dựng không phép ở các địa phương đã giảm đáng kể. Đặc biệt ở các TP lớn như HN, TPHCM, đã có 70-80% số lượng các công trình xây dựng đã có giấy phép, số còn lại chỉ khoảng từ 20-30% là nhà xây dựng không phép. Số này chủ yếu rơi vào nhà ở của dân, ở những khu vực hẻo lánh, hoặc khu vực tiếp giáp với đô thị.
Theo chúng tôi, việc xây dựng không phép do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do việc tổ chức lập, phê duyệt và công bố quy hoạch ở các địa phương chưa đáp ứng được tốc độ đầu tư xây dựng. Ở hầu hết các địa phương quy hoạch chi tiết xây dựng chưa được phủ kín, nên khi cấp phép xây dựng không đủ cơ sở để xem xét. Đây cũng là nguyên nhân gây chậm chễ trong việc cấp giấy phép tuỳ tiện và dễ nảy sinh các tiêu cực.
Nguyên nhân thứ hai là trường hợp không có giấy tờ đất đai hợp lệ nên người dân ngại không xin phép xây dựng. Liên quan đến năng lực của chính quyền cơ sở trong công tác cấp giấy phép xây dựng, nhất là ở các quận, huyện, xã vẫn chưa đáp ứng cả về số lượng và năng lực chuyên môn. Một bộ phận cán bộ thực hiện công tác này cũng còn có biểu hiện hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong khi thi hành công vụ; xử lý các vi phạm chưa cương quyết, phạt cho tồn tại dẫn đến việc chấp hành pháp luật không nghiêm...
Ông Hoàng Thọ Vinh.
- Việc xử lý lúng túng, thiếu cương quyết của chính quyền địa phương đối với các công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh "nhờn thuốc". Để giải quyết vấn đề này, theo ông cần phải làm gì?
- Theo quy định của Luật Xây dựng (LXD), đối với những trường hợp xây dựng nhà không phép sau ngày 1.7.2004 thì buộc phải phá dỡ toàn bộ; những công trình xây dựng có phép nhưng sai giấy phép xây dựng phải đập bỏ những phần xây dựng sai phép. Ngoài ra, chủ đầu tư công trình phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.
Hiện nay, ngoài những nguyên nhân tôi đã phân tích ở trên, thì nguyên nhân do chính quyền các địa phương thiếu kiểm tra, đôn đốc, xử lý chưa nghiêm các quy định của Nhà nước đối với các công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn còn diễn ra.
Thanh tra xây dựng hiện hành mới quản lý đến cấp bộ và sở, chưa bao quát hết những công trình xây dựng ở cấp quận, huyện, phường, xã, vì vậy ở nhiều nơi, nhà xây dựng không phép vẫn ngang nhiên mọc lên, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thì sự đã rồi.
Để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, ngày 13.6.2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 14/2007/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng tại các đô thị, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, TP đẩy mạnh công tác lập, phê duyệt và công bố công khai quy hoạch xây dựng; thực hiện phân cấp đi đôi với xây dựng bộ máy cả về tổ chức và con người có đủ năng lực thực hiện việc cấp phép và kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Ngày 18.6.2007, Thủ tướng có QĐ số 89/2007/QĐ-TTg cho phép thí điểm thành lập thanh tra xây dựng ở HN và TPHCM với tổ chức thanh tra tới cấp quận, huyện và phường, xã. Bộ Xây dựng (BXD) cũng đã có văn bản chấn chỉnh các tổ chức thanh tra thực hiện đúng trách nhiệm của mình đối với các trường hợp xây dựng không phép, sai phép, đồng thời kiểm tra cả cơ quan, cá nhân thực hiện công tác cấp phép, nếu có biểu hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, kịp thời.
- UBND TPHCM vừa có một dự thảo quyết định về việc xử lý các công trình xây dựng không phép sau ngày 1.7.2004, mà một lần nữa hợp thức hoá nhà xây không phép bằng việc tiếp tục cho tồn tại. Việc này nếu có sẽ phải xử lý như thế nào, thưa ông?- Theo quy định tại Điều 121 của LXD, quy định không hồi tố đối với những công trình xây dựng trước khi LXD có hiệu lực. Vì vậy, chỉ những công trình xây dựng không phép, sai phép sau khi LXD có hiệu lực mới phải thực hiện đúng quy định của luật. Việc UBND TPHCM vừa có dự thảo áp dụng đối với công trình xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1.7.2004 (tức là thời gian sau khi LXD có hiệu lực) thì chưa đúng với quy định của LXD.
Tuy nhiên, đây mới là bước dự thảo, trước khi chính thức ban hành, họ phải lấy ý kiến của BXD là cơ quan quản lý ngành và các cơ quan liên quan. Đến nay, BXD chưa nhận được dự thảo này, nên đến khi nào nhận được dự thảo BXD sẽ có ý kiến cụ thể trên nguyên tắc văn bản pháp lý thấp hơn phải phù hợp và không được trái với văn bản có tính pháp lý cao hơn.
Hiện nay, BXD đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của LXD về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Cụ thể việc xử lý sẽ theo hướng tất cả các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng điều phải chịu trách nhiệm và liên đới chịu trách nhiệm về những vi phạm về trật tự xây dựng đô thị chứ không chỉ riêng chủ đầu tư. Khi Chính phủ chính thức ban hành NĐ này, BXD sẽ có hướng dẫn chi tiết để các chủ thể xây dựng triển khai thực hiện.
- Xin cảm ơn ông!>>
“Bó tay” với xây dựng trái phép?Theo Lao Động