Hợp đồng BT: Nhìn từ đề xuất sử dụng 5% diện tích đất TP.HCM

Cập nhật 31/10/2017 14:20

Nhiều doanh nghiệp đề xuất hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm ở TP.HCM khiến việc "đổi đất lấy hạ tầng" một lần nữa được khuấy động.

Nhiều công trình hạ tầng ở Thủ Thiêm được thực hiện theo hợp đồng BT Ảnh: Quý Hòa

Hơn 12.000ha đất cho đại lộ ven sông

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 7547 góp ý Đề xuất dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn theo hợp đồng BT, do Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh thuộc Tập đoàn Tuần Châu của doanh nhân Đoàn Hồng Tuyển soạn thảo.

Theo đề xuất hồi tháng 7/2017 của Tuần Châu, đại lộ này có chiều dài ước tính 60km, quy mô 4 - 6 làn xe (nối Bến Súc, huyện Củ Chi qua huyện Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh về trung tâm quận 1, TP.HCM), với tổng vốn đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí lãi vay của nhà đầu tư) và dự kiến sử dụng quỹ đất khoảng 12.398ha (gồm cả quỹ đất để thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư).

Trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư và văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hồ sơ đề xuất dự án phải làm rõ sự phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông - vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, cũng như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Do dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên nên cần được trình Quốc hội quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Tại hồ sơ dự án, nhà đầu tư đề xuất UBND TP.HCM bố trí quỹ đất có diện tích 12.398ha để thực hiện dự án, tương đương khoảng 5% diện tích TP.HCM (diện tích Thành phố 209.600 ha). Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP.HCM xem xét tính khả thi của việc bố trí quỹ đất.

Bên cạnh đó, công trình có quy mô lớn và phức tạp nên cần có phương án tài chính cụ thể, đặc biệt cần đánh giá kỹ tác động về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, môi trường. Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP.HCM lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng đối với những vấn đề nêu trên. Trường hợp cần thiết phải lấy ý kiến rộng rãi của cư dân thuộc khu vực dự án để đảm bảo sự đồng thuận trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Làm rõ năng lực tài chính nhà đầu tư

Không riêng các hợp đồng BT mà những dự án hạ tầng dù sử dụng vốn ngân sách, vốn vay của nhà tài trợ hay huy động từ nguồn lực xã hội đều phải được thẩm định kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Mới đây, TP.HCM đã công bố 133 dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức xã hội hóa dưới hình thức BT, PPP, trong đó phần lớn là các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông, chỉnh trang đô thị, như chỉnh trang khu vực nam Kênh Đôi (quận 8) có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, với quỹ đất đối ứng tại chỗ khoảng 28ha, xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, dự kiến đối ứng bằng 16 khu đất.

Bên cạnh mặt tích cực, xã hội hóa đầu tư đã phát sinh những mặt còn hạn chế như có nhiều công trình BT, PPP, BOT được chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư nhưng nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên tiềm ẩn rủi ro và có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.

Do đó, việc đề xuất dự án của nhà đầu tư lẫn các dự án mà nhà đầu tư được nhà nước trả quyền lợi phải đi kèm với kế hoạch, tiến độ triển khai, phương án tài chính rõ ràng. Điều này cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc đến trong văn bản trả lời đề xuất Dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn của Tập đoàn Tuần Châu.

Theo chuyên gia tư vấn độc lập thuộc lĩnh vực đô thị, hạ tầng - TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn, đối với những dự án có quy mô vốn lớn thì cần làm rõ các vấn đề liên quan đến tài chính, những phát sinh có thể dẫn đến tăng vốn, hoặc tác động đến tiến độ xây dựng nhằm tránh những hệ lụy về sau. Việc làm rõ năng lực tài chính của nhà đầu tư thực hiện dự án là vấn đề quan trọng, vừa đảm bảo tính hiệu quả vừa tránh được tình trạng dùng "mỡ nó rán nó”.

Song song với vấn đề làm rõ năng lực tài chính của nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án, đối với dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tổ chức đấu thầu rộng rãi để có thêm lựa chọn nhà đầu tư đủ kinh nghiệm, năng lực thực hiện. Tuy nhiên, tại một hội thảo lấy ý kiến để hoàn thiện các quy định liên quan đến đầu tư theo hình thức công - tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào giữa năm nay, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hình thức hợp đồng BT gặp khá nhiều khó khăn trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thanh toán quỹ đất.

Đã có một số dự án có chủ trương mở thầu song tới nay hầu như chưa có dự án nào được đấu thầu thành công. Đây là vấn đề mà ở góc độ quản lý nhà nước, các đơn vị liên quan phải xem xét đến tính hấp dẫn của dự án, các điều kiện đấu thầu có tương thích với nhu cầu của nhà đầu tư để tránh đấu thầu bất thành, dẫn đến phải chỉ định thầu.

Văn bản số 112 của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị cơ chế thực hiện phương thức xã hội hoá đầu tư theo hình thức BT, PPP, BOT nêu quan điểm: HoREA nhận thấy việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư theo hình thức BT, PPP, BOT khá phổ biến trong thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế, có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội. Tính minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh bị sụt giảm, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, và có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước (vì nguồn đất đối ứng trả cho nhà thầu cũng là tài sản công, cũng là tiền ngân sách) và gây quan ngại cho xã hội.

Do vậy, HoREA kiến nghị thực hiện phổ biến hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, chỉnh trang, phát triển đô thị theo phương thức xã hội hóa dưới hình thức BT, PPP, kể cả các khu đất vàng trong quá trình thu hồi quỹ đất do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.


DiaOcOnline.vn - Theo DNSG