Trong khi ở nhiều nơi người dân phải “chạy chọt” làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì Thái Bình, các cơ quan cấp giấy này đang "ế" hơn 70.000 sổ đỏ, hàng ngày cán bộ “dài cổ” chờ dân đến nhận.
Hơn 70.000 sổ đỏ ở tỉnh Thái Bình bị tồn đọng vì người dân không đến nhận. ẢNH VĂN ĐÔNG |
Thống kê của Sở TN-MT tỉnh Thái Bình cho biết, tính đến giữa tháng 3.2018, trong kho của các đơn vị trực thuộc Sở này còn tới 71.252 sổ đỏ đã ký nhưng chưa trao được cho người sử dụng đất, chiếm khoảng 5% tổng số sổ đỏ cấp cho các hộ trong toàn tỉnh Thái Bình.
Ông Trần Duy Hùng, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Bình, cho biết trong 71.252 sổ đỏ nói trên, có 50.643 sổ cấp trong giai đoạn sau năm 1999, đã được đo đạc chính xác nhưng người dân không đến nhận. Ngoài ra, tại Sở này đang còn tồn đọng 20.609 sổ đỏ cấp trong giai đoạn 1995 - 1999, hiện nay không còn hiệu lực, vì giai đoạn này cấp theo cách một giấy cấp cho nhiều thửa, bao gồm cả đất ở và đất nông nghiệp, số liệu đối chiếu hiện nay chênh lệch, không chính xác do dồn điền đổi thửa và đo đạc, lập bản đồ địa chính đã làm thay đổi số liệu.
“Nếu muốn có giấy chứng nhận hợp pháp, 20.609 hộ trên phải đến làm thủ tục xin đổi giấy chứng nhận rồi mới được cấp mới. Tuy nhiên, đủ cả mời gọi, thuyết phục, vận động, mà suốt mấy năm nay, cả hơn 70.000 hộ trên đều không chịu đến lấy sổ đỏ”, ông Hùng thông tin.
Theo ông Đoàn Văn Nho, Giám đốc Trung tâm Đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sở TN-MT Thái Bình), đơn vị đang trực tiếp quản lý hơn 70.000 sổ đỏ tồn đọng trên, thì tình trạng tồn đọng xảy ra ở cả 8 huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình. Đơn vị tồn đọng nhiều nhất là huyện Kiến Xương, với 21.936 sổ, kế đến là huyện Tiền Hải với 12.999 sổ, ít nhất là huyện Vũ Thư với 1.631 sổ. “Các trung tâm ăn không ngon, ngủ không yên với số sổ đỏ tồn đọng này. Mang về nhà giữ thì không được, để ở kho lỡ không may sổ bị ẩm mủn, chuột bọ cắn hay thất lạc thì trung tâm lại phải chịu trách nhiệm”, ông Nho thở dài.
Chưa biết bao giờ trả hết sổ tồn đọng
Để tìm hiểu nguyên nhân tại sao người dân thờ ơ với việc nhận sổ đỏ, phóng viên đã tìm đến một số hộ chưa nhận sổ. Đúng như dự đoán của lãnh đạo các trung tâm đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp huyện của tỉnh Thái Bình, tại khu Tân Tiến (thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương), cả 2 hộ chưa nhận sổ đỏ ở đây là gia đình ông Trương Thành Kim và gia đình bà Nguyễn Thị Kim đều có câu trả lời giống nhau: “Vì chúng tôi không có nhu cầu dùng đến sổ đỏ, nên chưa lấy sổ”.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Nhu, Giám đốc Trung tâm Đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất huyện Kiến Xương, cả gần 22.000 hộ ở huyện này nói riêng, hơn 70.000 hộ toàn tỉnh nói chung, chưa lấy sổ đỏ đều liên quan đến việc nộp nghĩa vụ tài chính khi làm thủ tục cấp sổ.
“Chúng tôi đã đến từng hộ thuyết phục, đề nghị nhận sổ đỏ, ai cũng đồng ý nhận, nhưng để nhận sổ đỏ, các hộ phải nộp nghĩa vụ tài chính, bao gồm thuế đất và kinh phí đo đạc, đến lúc ấy thì đồng loạt các hộ đều cho biết chưa có nhu cầu lấy sổ, hoặc chưa có tiền nên chưa lấy sổ”, ông Nhu thông tin.
Xác nhận thông tin trên, Phó giám đốc Sở TN-MT Thái Bình Trần Duy Hùng cho biết, thời kỳ tồn đọng sổ đỏ cao nhất của Thái Bình là năm 2014, lên tới trên 200.000 sổ, tương đương với 17% tổng sổ đỏ toàn tỉnh, hầu hết đều do không nộp nghĩa vụ tài chính.
Sau đó, những hộ có việc cần dùng đến sổ đỏ mới chịu nộp tiền lấy sổ, nên đến nay mới còn số hiện tại. Về câu hỏi bao giờ Thái Bình giải quyết hết số sổ đỏ tồn đọng hiện nay, ông Hùng lo lắng: “Chưa biết đến bao giờ. Cách đây vài năm, tỉnh Thái Bình đã đề nghị Chính phủ cho miễn nghĩa vụ tài chính đối với các hộ này, nhưng không được đồng ý. Chúng tôi cũng đã tính đến phương án hỗ trợ tài chính các hộ này, nhưng tìm mãi không thấy có quy định nào cho phép. Giải pháp duy nhất bây giờ là chỉ biết ngồi đợi dân đến lấy thôi”.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên