Hơn 5 tỷ USD đổ vào bất động sản Việt Nam: “Đại gia” Nhật đua nhau rót vốn

Cập nhật 03/07/2018 15:22

Dường như trước đây, thị trường bất động sản Việt Nam không được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, nhưng nay thì ngược lại. Vài năm trở lại đây, thị trường chứng kiến nguồn vốn từ Nhật rót mạnh vào bất động sản Việt Nam qua nhiều dự án lớn.

Thị trường chứng kiến nguồn vốn từ Nhật rót mạnh vào bất động sản Việt Nam qua nhiều dự án lớn.

Vốn Nhật rót mạnh vốn vào bất động sản Việt Nam

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm 2018 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 5,54 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Với lượng vốn này, bất động sản là lĩnh vực hút vốn ngoại lớn thứ 2, chỉ sau mỗi công nghiệp chế biến, chế tạo.

Xết về đối tác đầu tư, Nhật Bản đứng vị trí dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 6,47 tỷ USD, trong đó bất động sản Việt Nam là “miếng bánh” được các nhà đầu tư Nhật yêu thích.

Dường như trước đây, thị trường bất động sản Việt Nam không được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, nhưng nay thì ngược lại. Vài năm trở lại đây, thị trường chứng kiến nguồn vốn từ Nhật rót mạnh vào bất động sản Việt Nam qua nhiều dự án lớn.

Mới đây, Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, có tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất nửa đầu năm 2018.

Dự kiến “siêu” dự án sẽ được khởi công vào tháng 9 năm nay. Dự án được chia làm 5 giai đoạn, trong đó Sumitomo và đối tác Việt Nam là Tập đoàn BRG thực hiện giai đoạn 1 xây dựng phần “lõi” của dự án trên diện tích khoảng 271 ha.

Một thương vụ đáng chú ý khác vừa diễn ra đó là việc Công ty bất động sản Nomura Real Estate (Nhật Bản) đã công bố mua 24% cổ phần cao ốc Sun Wah Tower ngay trung tâm quận 1, TP.HCM.

Nomura Real Estate Asia không tiết lộ giá trị giao dịch nhưng cho biết đây là thương vụ thâu tóm một tòa nhà văn phòng đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tòa nhà Sun Wah Tower được xây dựng trên đất vàng của trung tâm quận 1, nằm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, xung quanh là hệ thống hạ tầng kết nối khá hoàn chỉnh, nhiều tiện ích hiện đại.

Ngoài việc thâu tóm tòa cao ốc văn phòng ở quận 1, Nomura Real Estate Asia cũng cho biết thêm đang hợp tác cùng Công ty Phú Mỹ Hưng để cùng phát triển tổ hợp cao cấp Midtown trong thời gian tới.

Trước đó, từ năm 2014 đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản liên túc bắt tay với nhiều ông lớn địa ốc trong cả nước để phát triển nhiều dự án khu dân cư hiện đại như Nam Long, An Gia, Tiến Phát, Hòa Bình, Phúc Khang, BRG... Không dừng lại ở đó, các nhà đầu tư Nhật Bản hiện đang dành nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và Phú Quốc.

Hồi đầu năm nay, Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 100 triệu USD vào một dự án du lịch tại Đà Nẵng. Đây được coi là khoản đầu tư FDI lớn nhất vào bất động sản du lịch Đà Nẵng năm 2017.

Cuối tháng 6/2018, Tập đoàn Hinokiya của Nhật Bản cũng đã ký kết với nhà đầu tư trong nước nhằm bắt tay thực hiện dự án trong lĩnh vực bất động sản với ý tưởng nhà ở kiểu Nhật mang đậm phong cách Nhật, dự kiến ra mắt thị trường vào năm 2019. Trước đó cũng có một loạt dự án bất động sản khác được ký kết với doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực bất động sản.

Vì sao bất động sản Việt Nam thu hút “đại gia” Nhật?

Một nghiên cứu của công ty tư vấn bất động sản JLL Việt Nam cho biết, bắt đầu từ năm 2014-2016 xuất hiện xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài quan sát, chú ý đến các dự án bất động sản trên thị trường Việt Nam và dòng chảy vốn đầu tư tập trung rất nhiều, trong đó nổi bật nhất vẫn là các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản, cho biết thị trường bất động sản, hạ tầng của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản. Thống kế cho thấy, nguồn vốn đầu tư của Nhật vào Việt Nam thời gian gần đây tăng mạnh, vượt qua các quốc gia khác để trở thành nhà đầu tư lớn nhất "rót" tiền vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia trong nước, các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM đều có quy mô dân số và quy mô kinh tế khá lớn. Với sự tăng trưởng kinh tế ổn định dẫn đến việc mở rộng tầng lớp trung lưu và thúc đẩy nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các hệ thống giao thông đô thị mới, các thị trường này dự kiến ​​sẽ tiếp tục gia tăng nhu cầu về nhà ở và bất động sản khác.

Tại một cuộc xúc tiến mới đây, ông Shinichi Sakaki, Phó cục trưởng Cục Đô thị, Bộ Đất đai, Giao thông, Du lịch Nhật Bản, cho biết hiện Chính phủ Nhật Bản đang có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vốn để xúc tiến đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, Nhật Bản có kinh nghiệm phát triển nhiều đô thị vệ tinh quy mô lớn, nên đang tìm cách “xuất khẩu” kỹ thuật đó ra nước ngoài.

Bên cạnh các hình thức mua cổ phần, góp vốn hoặc cho vay để phát triển dự án, doanh nghiệp Nhật cũng tham gia thị trường bất động sản Việt Nam bằng cách chuyển giao công nghệ định giá đất, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và các ngành công nghiệp tài chính.

Theo thông tin trên tờ Nikkei, giá bất động sản tại Việt Nam đang có xu hướng đi lên theo quá trình đô thị hóa tại các thành phố, tuy nhiên giá đất do chính phủ định giá lại chưa phản ánh đúng thị giá thực tế, dẫn đến hiện trạng thiếu một thước đo tiêu chuẩn cho việc sử dụng đất đai trong kinh doanh trên cả nước.

Do vậy, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam kỹ thuật định giá bất động sản. Nikkei cho biết, mục đích của Bộ Đất đai Nhật Bản là tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các công ty Nhật Bản. Sáng kiến ​​này dự kiến ​​sẽ mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp, gồm cả các nhà phát triển bất động sản, công ty xây dựng, nhà phát triển hệ thống và những tổ chức tài chính cung cấp các khoản thế chấp.


DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí