Hơn 2.000 doanh nghiệp ở chung cư nhận “tối hậu thư”

Cập nhật 13/12/2016 10:30

 Hàng ngàn doanh nghiệp có trụ sở kinh doanh ở chung cư trên địa bàn TP HCM đang “lên ruột” khi nhận được “tối hậu thư” từ ngành chức năng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP HCM, đơn vị này đã phát đi hơn 2.100 thông báo yêu cầu các doanh nghiệp (DN) phải dời trụ sở đặt trong chung cư ra các địa điểm mới không phải là chung cư.

Chợ trong chung cư

Ghi nhận tại một số chung cư cũ ở quận 1, nhiều căn hộ giờ là quán ăn, quán cà phê hay buôn bán quần áo, quà lưu niệm… Chung cư 42 Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, quận 1) có 9 tầng, tầng trệt là nhà sách còn các tầng trên, các căn hộ đúng nghĩa để người dân ở chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó, biển hiệu nhan nhản ở hành lang khu vực thang máy và treo lơ lửng bên ngoài cửa các căn hộ. Theo tìm hiểu, giá thuê mặt bằng chung cư ở đây không hề rẻ nhưng vẫn hút người đến thuê để kinh doanh do có cửa sổ trổ ra phố đi bộ Nguyễn Huệ. Do giá mặt bằng cao nên nhiều chủ nhà đã cho thuê căn hộ và đi chỗ khác sinh sống để tăng thu nhập.


Các biển hiệu kinh doanh trưng dày đặc mặt tiền chung cư 42 Nguyễn Huệ. Ảnh: SỸ ĐÔNG

Tương tự, nhiều căn hộ ở chung cư 14 Tôn Thất Đạm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 cũng trở thành nơi kinh doanh. Chung cư này đã xuống cấp, cầu thang lên các tầng phía trên tối om, ẩm thấp nhưng vẫn là nơi tụ hội của các cửa hàng quần áo, tiệm xăm hình nghệ thuật, quán cà phê… Bà Nguyễn Thị Thu Hà, thành viên ban quản trị chung cư, cho rằng các cửa hiệu kinh doanh trong chung cư không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của chung cư. Mọi thứ đều diễn ra bình thường, khách đến mua đồ chỉ đến cửa hiệu rồi thôi, trong chung cư chưa xảy ra tình trạng mất trộm. “Nếu cửa hàng nào gây mất trật tự, ban quản trị sẽ nhắc nhở để bảo đảm môi trường lành mạnh cho cư dân” - bà Hà nói và cho rằng việc thực hiện yêu cầu không được kinh doanh trong chung cư sẽ làm khó chủ cửa hiệu vì không dễ để tìm được địa điểm khác có giá cả hợp lý và mặt tiền đường như chung cư 14 Tôn Thất Đạm.

Không chỉ dừng lại là các cửa hiệu kinh doanh ăn uống, quần áo, đồ lưu niệm,… khu vực hành lang chung cư Lý Thường Kiệt (phường 7, quận 10) nhiều năm qua đã trở thành một khu chợ đúng nghĩa. Vào buổi sáng, ngay tại hành lang diễn ra hoạt động mua bán đồ tươi sống như thịt cá, rau củ quả phục vụ người dân trong chung cư. Nhiều căn hộ khác thì trưng dụng phần hành lang trước cửa để mở quầy giải khát, quán ăn và thậm chí là gội đầu, cắt tóc hay các dịch vụ làm đẹp khác. Không gian chung bị chiếm dụng trở thành nơi buôn bán nhếch nhác nhưng vẫn tồn tại nhiều năm qua.

Sẽ xử phạt

Theo Sở KH-ĐT TP HCM, các DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở kinh doanh đang hoạt động bên trong chung cư, tập trung chủ yếu ở các quận: 1, 3 và 5. Điều đáng nói hơn, nhiều chung cư cũ, thuộc diện chuẩn bị di dời lại thu hút khá nhiều người thuê để kinh doanh như chung cư 42 Nguyễn Huệ, Hồ Tùng Mậu, Tôn Thất Đạm… Sở KH-ĐT đã yêu cầu những DN, chi nhánh, văn phòng này không được phép kinh doanh tại căn hộ chung cư và nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh để thay đổi địa điểm, thời hạn trước 15 ngày.

Lý giải về việc này, lãnh đạo Sở KH-ĐT cho biết trước đó đã có văn bản yêu cầu các DN phải di dời trước tháng 6-2016 nhưng suốt 6 tháng qua, số DN thực hiện rất ít, đa số không chịu di dời. “Văn bản này có thể coi là “tối hậu thư” yêu cầu DN phải di dời địa điểm kinh doanh ra khỏi chung cư. Trong thời gian này, sở cũng tiếp nhận một số thông tin DN dù đăng ký ở địa chỉ đó nhưng đã không còn hoạt động từ lâu” - lãnh đạo Sở KH-ĐT cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT TP), cho biết sau khi có văn bản yêu cầu di dời, sở tiếp nhận hàng trăm phản hồi, trong đó nhiều DN mong muốn Sở KH-ĐT phân loại rõ đâu là đơn vị kinh doanh trong căn hộ, đâu là đơn vị kinh doanh trong phần diện tích tầng trệt, sảnh được phép kinh doanh. Theo bà Nguyệt, các DN đồng thuận với việc di dời ra khỏi chung cư để hoạt động, kinh doanh nhưng mong muốn dời thời hạn 15 ngày ra sau Tết.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết chung cư chỉ phục vụ mục đích nhà ở nên không được phép kinh doanh với bất kỳ lý do nào. Kết cấu của nhà ở thiết kế chỉ đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt của các cư dân. Nếu đưa vào kinh doanh sẽ phát sinh nhiều vấn đề như tệ nạn, mất an ninh trật tự, không gian sinh hoạt chung bị thu hẹp… “Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra. Nếu có sai phạm, Thanh tra Sở Xây dựng áp dụng theo quy định Luật Nhà ở để xử lý, có thể nhắc nhở hoặc là xử phạt tùy theo mức độ” - ông Tuấn cho biết.

Làm văn phòng thì không nên cấm

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng hiện nay xu hướng người trẻ khởi nghiệp bằng cách thành lập công ty rất nhiều. Theo đó, ông Châu đề xuất nên cho phép các DN siêu nhỏ, mang tính chất văn phòng vẫn được phép hoạt động ở chung cư. Để không bị ảnh hưởng, TP có thể đưa ra điều kiện phải ít hơn 3 người và chỉ mang đúng tính chất hoạt động văn phòng, giao dịch.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ